Tiết kiệm chi cần thực hiện cùng với nỗ lực tăng thu

Tiến độ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) sắp hoàn thành dự toán được giao của cả năm. Trong bối cảnh hiện nay, đây là kết quả tích cực của ngành Tài chính. PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

Thưa ông, theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2024, ngành Tài chính được giao dự toán thu NSNN 1.700,99 nghìn tỷ đồng. Dự kiến năm 2024, thu ngân sách ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán. Tính đến hết tháng 10/2024, tổng thu NSNN ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán. Ông đánh giá như thế nào về tiến độ này?

Tính đến ngày 10/11, số thu ngân sách gần như đã hoàn thành khi đạt 99,4% dự toán. Trong bối cảnh năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, kết quả này là rất tích cực. Đây cũng là năm đầu tiên, tiến độ nguồn thu NSNN hoàn thành sớm.

Có nhiều yếu tố đóng góp hiệu quả cho nguồn thu, trước hết là nhờ nền kinh tế nội tại khởi sắc hơn. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm nay có thể tăng trưởng 7,2 - 7,3% nên nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu tốt hơn. Đối với nguồn thu nội địa, trong 10 tháng năm nay, thu nội địa đạt 1.377,6 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của NSNN.

Chú thích ảnh
Công ty giầy Việt Anh mỗi năm xuất khẩu được hàng chục ngàn sản phẩm. Ảnh: TTXVN

Các khoản thu từ 3 khu vực sản xuất, kinh doanh ước đạt 90,8% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nếu như khoản thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước mới chỉ đạt 86,8% dự toán, tăng 2,2%; khoản thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 89% dự toán, tăng 5,8%, khoản thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 94,3% dự toán, tăng 13,5%. Như vậy, khu vực tư nhân đang thể hiện sự đóng góp quan trọng cho NSNN nói riêng và cho toàn nền kinh tế nói chung.

Cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp tăng cường quản lý thu, ngành Tài chính tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn. Tháng 10/2024, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục hậu  quả của cơn bão số 3 để lại, nhanh chóng ổn định đời sống, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 149,1 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất trong thời gian qua đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân, nhờ đó nguồn thu tăng lên. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Càng tiêu dùng nhiều, thu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt... càng nhiều.

Trong 10 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 14,2%. 

Việc sử dụng NSNN hiệu quả, minh bạch và tiết kiệm là nhiệm vụ cấp thiết để duy trì sự phát triển bền vững. Bên cạnh nỗ lực tinh gọn bộ máy, việc siết chặt kỷ cương tài chính và cắt giảm chi tiêu công đang trở thành nhiệm vụ cấp bách, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đã và đang triển khai quyết liệt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Các chính sách tiết kiệm chi cần được thực hiện song song với các biện pháp nâng cao nguồn thu ngân sách như đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đầu tư, cũng như chống thất thu thuế. Cải cách hành chính cần tập trung vào việc loại bỏ các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Việc phát triển một nền kinh tế minh bạch và bền vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cân bằng ngân sách mà không làm suy giảm phúc lợi xã hội. Các chính sách và biện pháp tiết kiệm chi cần được xây dựng dựa trên sự đồng thuận và cam kết của toàn xã hội, từ các cơ quan Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp.

Theo ông, ngành Tài chính liệu có thể thu ngân sách 2024 vượt dự toán 10%?

Chắc chắn sẽ đạt được. Thời điểm này đã đạt 100% dự toán, trong khi còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc năm. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế và ngành Hải quan đã tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được triển khai tốt.

Đáng chú ý, ngành Thuế tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử... để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu, nhất là thu từ hoạt động thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Thông qua số hóa, các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Tiktok… kê khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử. Vì thế, thu thuế thương mại điện tử tăng mạnh so với những năm trước đây.

Bên cạnh đó, ngành Thuế thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh; thực hiện hoàn thuế GTGT kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức (thực hiện)
Số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tăng 14,5% 
Số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tăng 14,5% 

Ngày 7/11, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 10 tháng đạt 346.283 tỷ đồng, bằng 92,3% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN