Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 vào sáng 28/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay ước tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%; khu vực dịch vụ tăng 6,35%. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 0,18%. Đáng chú ý, tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Ông Nguyễn Bích Lâm phân tích, GDP 6 tháng đầu năm đặt trong bối cảnh năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nên kinh tế trong nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, tình hình khí hậu diễn biến bất thường như rét buốt ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu. Đây là lý do khiến cho khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân do sản lượng lúa Đông Xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn (giảm 6,4%) so với vụ Đông Xuân 2015. Ông Lâm nhìn nhận, đây là lần đầu tiên khu vực này giảm tăng trưởng (ở mức 0,78%) sau nhiều năm là điểm tựa cho tăng trưởng GDP, ngay cả trong những năm kinh tế khó khăn nhất.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,2%. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm trước; ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,8%.
Phân tích về chỉ số ngành khai khoáng giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho biết, đây là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của ngành này giảm do nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Chính vì vậy, xu hướng ngành khai khoáng ngày càng giảm trong những năm tiếp theo sẽ là tất yếu. Mặt khác, quá trình khai thác của ngành này còn khó khăn và giá dầu thế giới cũng giảm làm cho nguồn thu của nguồn khai khoáng, đặc biệt là dầu thô ngày càng giảm theo. Trong 6 tháng qua, bối cảnh giá dầu thô thế giới giảm thấp nhất là 27 USD/thùng vào ngày 20/1/2016 và thoát đáy tăng lên 52,5 USD/thùng vào tháng 6.
Điểm nhấn đáng chú ý đóng góp chung cho GDP 6 tháng đầu năm 2016, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay; trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước như bán buôn, bán lẻ tăng hơn 8%, hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm xã hội tăng trên 6%. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77% là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Với GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 5,52% thì 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6% để GDP cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng 6,7% như Quốc hội đề ra. Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, mặc dù môi trường đầu tư đã được Chính phủ quan tâm và có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2016 theo dự báo vẫn gặp khó khăn và tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, tình hình tài chính tiền tệ và giá dầu có diễn biến phức tạp nên kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Do đó, trước mắt, Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp để ngành nông lâm nghiệp và thủy sản khẩn trương thực hiện, khắc phục những khó khăn, có mức tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, các cấp các ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc những giải pháp, chính sách hỗ trợ các vùng thiên tai bị hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường đã được Chính phủ ban hành. Đối với sản xuất công nghiệp, cần phân tích, đánh giá và làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng thấp đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó có giải pháp pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như ngành du lịch, ngành viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng…
Cùng với đó, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đầu tư công theo kế hoạch của năm 2016 về vốn FDI, vốn ODA để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác có giải pháp thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng dưới hình thức hợp tác công tư.
Song song đó, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh và bảo vệ hợp pháp của nhà đầu tư, tuyệt đối không đặt ra các rào cản, các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm động lực để thúc đẩy nền kinh tế.
Ngoài ra, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cũng cần tập trung thực hiện tổng thể Đề án tái cơ cấu nến kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 – 2020 theo đúng tinh thần Quyết định số 339 ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ.