Theo đó, có 1.418 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 8,44 tỷ USD. Vốn đầu tư tăng là do trong 6 tháng năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới. Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD trong năm 2020.
Về vốn điều chỉnh, có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 6 tháng tăng do có dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,6 tỷ USD.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.125 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 2,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 3,51 tỷ USD, bằng 43,2% so với cùng kỳ.
Mặc dù, số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019.
Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 44% trong 6 tháng năm 2019 xuống 22,4% trong 6 tháng năm 2020.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 8 tỷ USD, chiếm 51,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,95 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 1,08 tỷ USD và gần 850 triệu USD.
Theo đối tác đầu tư, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,44 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),...
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên, trong đó tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 01 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tp. Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt trên 2 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với 1,95 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương, thành phố Hải Phòng,…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài giảm cả về giá trị so với cùng kỳ cũng như tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu kể cả dầu thô đạt 79,8 tỷ USD, bằng 93,3% so với cùng kỳ, chiếm 65,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 79 tỷ USD, bằng 93,6% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 65,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 6 tháng năm 2020.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 65,6 tỷ USD, bằng 94,6% so cùng kỳ và chiếm 56% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Mặc dù, giảm so với cùng kỳ, song tính chung trong 6 tháng năm 2020, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu 14,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 13,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 10,2 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu hơn 4 tỷ USD.
Một số dự án lớn trong tháng 6 đầu năm 2020 là dự án Nhà máy dệt kim tại khu công nghiệp Texhong Hải (Hongkong, Trung Quốc), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh; dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng; dự án Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 48,8 triệu USD với mục tiêu sản xuất bộ dây diện dùng cho xe ô tô tại Vĩnh Long…