Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài gồm vốn cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng đạt 330 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 225,7 triệu USD, chiếm ,4% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 39,6 triệu USD, chiếm 12%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 19,6 triệu USD, chiếm 5,9%.
Trong 8 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam; trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 28%; Lào 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%; Myanma 44,6 triệu USD, chiếm 13,5%; Hoa Kỳ 40,8 triệu USD, chiếm 12,3%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 25,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Về vốn điều chỉnh, có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị vốn góp 4,93 tỷ USD, bằng 51,8% so với cùng kỳ.