Đây là sự kiện gắn kết giữa doanh nghiệp lớn các lĩnh vực kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các Startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức đổi mới sáng tạo, chuyên gia... nhằm thảo luận, nhận diện các bài toán, sáng kiến, giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận nhận diện bối cảnh - thách thức - cơ hội, gắn kết ý tưởng giữa các bên để định hình sáng kiến, mô hình kinh doanh cụ thể thúc đẩy kinh tế xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng đề xuất, kiến nghị chi tiết với các cơ quan các bên hữu quan.
Ông Guenther Meyer, Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam - SNV Việt Nam cho rằng: Những cơ hội thách thức trong phát triển nông nghiệp xanh Đồng bằng sông Cửu Long cần có biện pháp thích ứng nhưng hiện tại mới tập trung vào các giải pháp công trình. Các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên và thích ứng dựa trên hệ sinh thái. Do vậy, cần có kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng tới các thị trường chất lượng cao hơn, cải thiện quy trình sản xuất, sản xuất sạch, an toàn và bền vững; tăng cường liên kết chuỗi giá trị, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, công nghệ mới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mylan Group, trong nông nghiệp, chuyển đổi kép là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ chuỗi giá trị nông sản. Đối với Dự án phát triển 1 triệu hecta trồng lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 sẽ góp phần thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nông dân canh tác lúa phải theo quy trình 1P5G gồm sử dụng giống có xác nhận; giảm lượng giống xuống 70 đến 100 kg/ha; giảm 20% lượng phân bón hóa học và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học; giảm 20% nước, áp dụng tưới ngập khô xen kẽ cũng như thất thoát sau thu hoạch dưới 8%...
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, nhiều ý kiến cho rằng trong nông nghiệp cần có giải pháp mới, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, qua đó giải quyết toàn bộ vấn đề thị trường. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mô hình sản xuất hiệu quả là phải có cơ sở logic; công cụ, dụng cụ; nguồn nhân lực và chất thải còn lại là phân bón; việc xử lý chất thải hữu cơ từ ngành công nghiệp cá tra.
Bên cạnh đó, sản xuất phân hữu cơ từ ca tra ở dạng nước, dạng viên và dạng lỏng góp phần nguồn phân hữu cơ tốt phục vụ nông nghiệp… Đặc biệt, nhiều đại biểu cũng đưa ra những ý tưởng, mô hình để xác định hướng đi nông nghiệp xanh và xác định đề xuất chính sách, qua đó chính là môi trường cho hoạt động nông nghiệp xanh.