90% nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu

Đại học Sư phạm Đà Nẵng vừa phối hợp cùng Văn phòng Chương trình hóa dược, phân hội Hóa dược và Hội Hóa dược Việt Nam tổ chức hội thảo “Hóa dược toàn quốc - Hóa dược phẩm Việt Nam tiềm năng và triển vọng” tại Đà Nẵng và đã thu hút hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp sản xuất trong ngành hóa dược tham gia.


Theo các chuyên gia, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến ngành công nghiệp hóa dược, nên Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 (năm 1960) đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Nhà máy hóa dược và Nhà máy kháng sinh. Tuy nhiên do nhiều khó khăn, nên công nghiệp hóa dược đến nay vẫn kém phát triển, một số cơ sở chủ yếu sản xuất ở qui mô nhỏ. Mới chỉ sản xuất được 3 nhóm sản phẩm ở qui mô công nghiệp là terpin hydrat, một số dẫn chất artemisinin và kháng sinh ampicillin, amoxicillin. Về nghiên cứu, chưa có đóng góp nào trong khoảng 1.000 dược phẩm đang được sử dụng trên thế giới hiện nay.


Công nghiệp dược Việt Nam được đánh giá đang ở mức độ phát triển từ 2 - 3 theo mức thang phân loại từ 1 - 4 của WHO, tức mới chỉ ở mức chủ yếu bào chế gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập khẩu, công nghiệp sản xuất nguyên liệu còn kém phát triển. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản xuất thuốc trong nước khá cao do nhu cầu phục vụ hơn 88,5 triệu dân. Hiện sản xuất trong nước mới đảm bảo khoảng 50% lượng thuốc tiêu thụ, gần 90% nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu từ nước ngoài...


Ông Nguyễn Đình Luyện, Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng, Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú có thể phục vụ ngành công nghiệp hóa dược như các sản phẩm từ biển (muối vô cơ, tảo biển), sản phẩm từ công nghiệp dầu khí, các sản phẩm từ nguồn tài nguyên dược liệu, nông nghiệp, sản phẩm từ ngành công nghiệp hóa chất... Để biến tiềm năng thành triển vọng phát triển của ngành công nghiệp hóa dược, cần xây dựng được hướng đi đúng và đầu tư thích đáng đúng mức.

 

Nguyên liệu làm thuốc là dạng sản phẩm đặc biệt nên có những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và được sản xuất từ nhiều công nghệ khác nhau như công nghệ sinh học, chiết xuất và tinh chế, công nghệ hóa học... Theo PGS.TS Lê Tự Hải, Trưởng khoa hóa, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thời gian tới cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu, dược phẩm. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây một hoặc hai Pilot tổng hợp hóa dược để nghiên cứu các hóa dược mới có tấn lượng nhỏ, điều trị các bệnh hiểm nghèo; ưu đãi về vốn, đất, thuế... để khuyến khích các doanh nghiệp mua Patent hay nhập dây chuyền công nghệ và thiết bị...

 

Ngọc Ánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN