AIIB và những thách thức trước mắt

Theo các chuyên gia phân tích, không thể phủ nhận Trung Quốc đã ghi điểm trên trường quốc tế khi gần 50 nền kinh tế trên thế giới bày tỏ mong muốn gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng. Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc lần đầu tiên quản trị thể chế tài chính đa phương này, với lượng thành viên rất đa dạng đến từ các châu lục.

Tính tới hạn chót nộp đơn xin gia nhập AIIB ngày 31/3 vừa qua, đã có 48 quốc gia cộng với vùng lãnh thổ Đài Loan ngỏ ý tham gia AIIB, trong đó có 4/5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và 16/34 là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Bắc Kinh xác nhận đã có 30 quốc gia được phê chuẩn làm thành viên sáng lập của AIIB. Danh sách cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 15/4 tới.

Trên thực tế, Trung Quốc đã giữ vai trò lãnh đạo tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), thể chế kết nối Nga và các nước Trung Á. Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc.

Ảnh minh họa.


Tuy nhiên, chuyên gia Christopher Balding tại Peking University cho rằng AIIB là một cấp độ hoàn toàn khác biệt. Thế chế tài chính này quy tụ một số quốc gia có quan hệ gần gũi với Trung Quốc như Kazakhstan và Myanmar, nhưng cũng có thể ghi nhận sự hiện diện của những đồng minh lớn nhất của Mỹ như Đức, Anh, Pháp, Italy và Australia.

“Càng có nhiều quốc gia muốn gia nhập, công tác kiểm soát và quản lý sẽ càng khó khăn. Bên cạnh đó, càng nhiều nguồn vốn được đổ vào, người ta càng có lý do để trông đợi những gì họ sẽ gặt hái được”, ông Balding chia sẻ.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng ANZ thì cho rằng AIIB có thể đưa ra một cách tiếp cận mới đối với nguồn tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng của châu Á, với các chính sách và thông lệ minh bạch và tiên tiến từ các nền kinh tế phát triển. Mặc dù cũng có những lo ngại liên quan tới khả năng liệu Bắc Kinh có muốn sử dụng ngân hàng này để xây dựng lợi ích kinh tế và địa chính trị hay không.

Rõ ràng trong những thập kỷ tới, châu Á sẽ cần nguồn vốn rất lớn cho xây dựng giao thông, điện và mạng lưới thông tin liên lạc, thậm chí lớn rất nhiều những gì mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Ngân hàng Thế giới (WB) có thể cung cấp. Một nghiên cứu của ADB chỉ ra rằng nhu cầu vốn cơ sở hạ tầng mà khu vực này cần lên tới 8.000 tỷ USD trong các năm 2010-2020.


Về phần mình, Trung Quốc một lần nữa khẳng định các kế hoạch thúc đẩy đầu tư châu Á của nước này, trong đó có AIIB, sẽ không thay thế các chương trình đầu tư khu vực hiện nay. AIIB sẽ được xây dựng trên tinh thần cởi mở, minh bạch và hoạt động hiệu quả.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu tại San Francisco sau chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew khẳng định ủng hộ việc thành lập bất kỳ ngân hàng phát triển quốc tế mới nào với điều kiện ngân hàng mới là sự bổ sung cho các định chế hiện hành như WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông nhấn mạnh các định chế mới cần chia sẻ cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về tiến trình đưa ra quyết sách và quản lý đa phương minh bạch; cũng như các tiêu chuẩn cho vay và các biện pháp bảo vệ môi trường, xã hội luôn được hoàn thiện. Theo ông Lew, nếu AIIB phối hợp với các định chế tài chính hiện hành để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á thì sẽ giúp chứng tỏ cam kết đáng tin nhất về cách thức quản lý, an ninh môi trường và xã hội.


TTXVN/Tin tức
30 quốc gia được chấp thuận làm thành viên sáng lập AIIB
30 quốc gia được chấp thuận làm thành viên sáng lập AIIB

Trung Quốc xác nhận rằng 30 quốc gia đã được chấp thuận làm thành viên sáng lập AIIB do Bắc Kinh đề xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN