Giá dầu thế giới "leo thang" liên tục
Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã liên tục tăng và đạt các "đỉnh" mới. Giá dầu hôm nay đã đạt đỉnh trong vòng 6 tháng qua, sau khi có thông tin về việc tồn kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.
Thông tin này làm giảm đi lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt do cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao kì hạn tương lai tăng 6 cent, đạt 74,57 USD/thùng.
Theo các chuyên gia quốc tế, các hợp đồng bán dầu thô giao kì hạn tương lai và giá dầu giao ngay tăng sau khi Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt mọi miễn trừ đối với lệnh trừng phạt với Iran, yêu cầu các nước ngừng nhập khẩu dầu từ Tehran từ tháng 5 hoặc phải đối mặt với hành động trừng phạt. Động thái này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu.
Do đó, giá dầu được dự báo tiếp tục duy trì, thậm chí tăng cao hơn trong thời gian tới. Theo dự báo của Citigroup (một công ty đa quốc gia dịch vụ tài chính có trụ sở tại Manhattan, New York, Mỹ), giá dầu có thể tăng lên 75 - 80 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.
Giá dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao đã kéo theo giá xăng dầu trong nước. Thực tế từ đầu năm, giá xăng dầu trong nước nhiều lần được giữ nguyên do cơ quan điều hành giá quyết định xả quỹ bình ổn. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là tăng lên.
Khi quỹ bình ổn đã dần cạn, thậm chí âm, ngày 17/4 vừa qua, liên bộ Công Thương - Tài chính đã phải tăng mạnh giá xăng dầu và đây là lần tăng thứ 3 kể từ đầu năm. Theo đó, xăng E5RON92 tăng 1.115 đồng/lít; xăng RON95-III: tăng 1.202 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: tăng 297 đồng/lít; dầu hỏa: tăng 291 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 407 đồng/kg.
Với xu hướng tăng của giá dầu thế giới hiện nay, giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ được điều chỉnh. Điều này sẽ gia tăng áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhất là trong bối cảnh giá điện cũng tăng từ ngày 20/3.
Áp lực kiểm soát lạm phát
Theo kịch bản giá dầu đã được Bộ Tài chính báo cáo với Ban Chỉ đạo điều hành giá, nếu giá xăng dầu thế giới tăng 5% thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 sẽ tăng 3,4% so với năm 2018. Nếu mức tăng giá xăng dầu là 10%, thì CPI sẽ tăng 3,7%. Còn nếu xăng dầu tăng 15%, CPI sẽ tăng 3,8 - 3,9%.
Như vậy, dù gây áp lực lên giá cả trong nước song việc giá xăng dầu tăng sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam, vẫn trong mục tiêu được Quốc hội giao là dưới 4%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, giá dầu năm nay sẽ tăng không quá lớn, chỉ khoảng 3 - 5% so với mức trung bình USD của năm ngoái. Do vậy, áp lực lên lạm phát không quá cao.
“Vấn đề khó nhất là dự báo giá dầu bởi sự không nhất quán về nguồn cung dầu trên thị trường thế giới. Vì vậy, vẫn phải theo dõi, bám sát giá dầu để có kịch bản điều hành cho phù hợp”, TS Cấn Văn Lực cho hay.
Thực tế, giá dầu tăng hay giảm đều có tác động 2 mặt đến kinh tế Việt Nam. Giá dầu tăng sẽ có lợi cho ngành dầu khí trong nước bởi theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2019, ngành khai khoáng giảm 2,1%, chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,2%, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế chung. Nếu giá dầu tăng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của ngành này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cái lợi này không quá lớn bởi kinh tế Việt Nam ngày càng giảm sự phụ thuộc vào khai khoáng tài nguyên. Năm ngoái, ngành khai khoáng tăng trưởng âm 3,11%, song tăng trưởng kinh tế cả nước vẫn đạt 7,08%.
"Chưa kể, Việt Nam còn đang nhập siêu 4 - 5 tỷ USD xăng dầu/năm, do vậy, nếu giá dầu tăng quá cao thì sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Ngược lại, nếu giá dầu giảm, thì chúng ta sẽ có lợi hơn”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, giá dầu tăng như hiện nay sẽ tác động tới giá cả các mặt hàng nguyên phụ liệu, làm gia tăng chi phí đầu vào, gây áp lực tới lạm phát và sản xuất trong nước. Tuy nhiên đây lại là cơ hội để điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường. Việc điều chỉnh giá phải chọn thời điểm phù hợp, không nên tăng giá cùng lúc và phải kiểm soát tốt để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.
Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá tăng trưởng quý I/2019 ngày 28/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,3 – 3,9%, đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội đã đề ra.