Áp lực nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng vì dịch COVID-19

Hàng loạt giải pháp hỗ trợ người vay với tổng quy mô gói tín dụng lên tới 300.000 tỷ đồng, song nguy cơ nợ xấu tăng vẫn hiện hữu. Theo ước đoán của các chuyên gia kinh tế, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến quý 3, nợ xấu năm nay có thể lên tới 4%.

Nợ xấu gia tăng

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp đóng cửa kinh doanh do thực hiện cách ly xã hội đã làm phát sinh thêm nợ xấu cho ngân hàng. Ảnh: Mạnh Linh

Ảnh hưởng  của dịch COVID-19 từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng OCB thừa nhận, chính sự tác động trên đã khiến nợ xấu tăng trở lại. Trên thực tế, các ngân hàng đã lên kịch bản đối phó với tác động của dịch COVID-19, nhưng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, nợ xấu vẫn sẽ gia tăng.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, trong tháng 2/2020, ngân hàng này mới có khoảng 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng đến tháng 3, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng đã tăng gấp hơn 10 lần. Dù ngân hàng có giãn, khoanh hoặc hoãn nợ, khả năng nợ xấu vẫn có thể lên tới 1%. Hiện ngân hàng đang tính các phương án để thắt chặt rủi ro, đảm bảo an toàn vốn và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp. 

Thống kê của Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, 2 ngành có tổng dư nợ bị ảnh hưởng hơn 1 triệu tỷ đồng là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng. Một số lĩnh vực khác có dư nợ lớn là nông, lâm nghiệp; chế biến thực phẩm, đồ uống; dệt may; xi măng; BOT, BT giao thông; vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; kinh doanh bất động sản.

Đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành hỗ trợ đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là gần 18.000 tỷ đồng; dư nợ được miễn, giảm lãi gần 126.000 tỷ đồng; dư nợ vay mới với lãi suất thấp là 165.208 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi tung gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nợ xấu vẫn tăng. 

Theo ước tính của NHNN, nhiều khả năng nợ xấu sẽ vượt 3% nếu dịch diễn biến xấu. Cụ thể, theo kịch bản dịch được kiểm soát trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020; thậm chí còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

Cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cũ là một trong những biện pháp cứu doanh nghiệp, giảm áp lực nợ xấu. Ảnh: Mạnh Linh

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, dịch bệnh kéo dài đã không chỉ làm doanh nghiệp khốn đốn mà ngay người lao động cũng bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc. Trong khi đó, dịch bệnh chưa thể xác định được thời gian nào là đỉnh thì tình trạng người dân không có thu nhập để trả nợ vay tiêu dùng có thể kéo dài trên dưới 1 năm. Điều này dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và công ty tài chính sẽ tăng nhanh.

Trước tình hình trên, các ngân hàng, công ty tài chính đang tính các phương án tối ưu để cứu doanh nghiệp, kéo giảm nợ xấu có thể. Cụ thể, ngoài các phương án hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mới, khoan nợ hoặc giãn nợ cho khách hàng cũ, nhiều ngân hàng cũng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp không rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận, nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro; đồng thời siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm.

Chẳng hạn, Vietcombank vừa quyết định giảm đồng loạt 10% lãi suất tiền vay đợt 2 (từ ngày 15/4) cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, thời gian giảm đến hết ngày 30/9/2020. Với khách hàng ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch, ngân hàng giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng đến 30/6/2020. Theo đó, tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90.000 khách hàng với qui mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng, chiến gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Đối tượng giảm lãi suất đợt 2 không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank. 

Tuy nhiên, nguồn lực của các ngân hàng hiện nay là có hạn, không thể “cứu” mọi doanh nghiệp dù đã tiết giảm tối đa chi phí, giảm chi lương, chi thưởng, không chi cổ tức tiền mặt… Chính vì vậy, một số ngân hàng đang cơ cấu lại các khoản nợ xấu và chào bán.

Điển hình, đầu tháng 4 vừa qua, Chi nhánh Sở Giao dịch 2 BIDV đã thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) với toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (tính đến ngày 29/3) là 4.063 tỉ đồng. 

Một khoản nợ khác của Chi nhánh Sở Giao dịch 2 này cũng được rao bán tiếp trong tháng 4 là của Công ty nhà Hưng Ngân, gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ là 512 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là nhiều bất động sản của doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang)...

Techcombank cũng liên tục rao bán các tài sản thế chấp lớn. Cũng trong tháng 4 ngân hàng này rao bán hai bất động sản tại Tây Ninh với tổng giá trị hơn 1,22 tỉ đồng. Ngay cả VAMC cũng dồn dập bán đấu giá hàng trăm khoản nợ đã mua lại từ các tổ chức tín dụng. Mới nhất, VAMC thông báo đấu giá lần hai khoản nợ của Công ty cổ phần bất động sản Việt Toàn Cầu mua lại từ Agribank với giá khởi điểm hơn 22 tỉ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với áp lực nợ xấu ngày một tăng, mục tiêu đưa nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% trong năm nay khó có thể thực hiện được. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, nếu Nhà nước có chính sách lớn thúc đẩy chính sách tài khoá, tiền tệ, hy vọng có thể rút ngắn thời gian khó khăn này. 

Trước đó, NHNN cũng khẳng định trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng tiếp tục giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ thanh khoản của các tổ chức tín dụng để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp. Trường hợp tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản hoặc có nhu cầu để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ xem xét tái cấp vốn. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ điều chỉnh mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Hải Yên/Báo Tin tức
Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hà Nội lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ khó khăn, trả lời, giải quyết thấu đáo các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN