Nhập siêu từ ASEAN của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay tương đương cùng kỳ năm trước (3,7 tỷ USD). ASEAN vừa là thị trường gần, vừa là thị trường lớn của Việt Nam, cùng trong một cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với rất nhiều cơ hội hợp tác về thương mại.
Trong khối ASEAN, những thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn trong 6 tháng đầu năm là: Thái Lan (xuất khẩu 2,23 tỷ USD, nhập khẩu 4,75 tỷ USD, nhập siêu 2,53 tỷ USD); Malaysia (xuất khẩu 2,12 tỷ USD, nhập khẩu 2,7 tỷ USD, nhập siêu gần 0,6 tỷ USD); Singapore (xuất khẩu 1,52 tỷ USD, nhập khẩu 2,84 tỷ USD, nhập siêu 1,32 tỷ USD)...
Các doanh nghiệp Thái Lan tiếp xúc với doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Hết tháng 6, Thái Lan tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 7 tỷ USD. Đây cũng là thị trường mà Việt Nam đang thâm hụt thương mại lớn nhất trong khối ASEAN với con số nhập siêu 2,53 tỷ USD.
Đối với thị trường Thái Lan, các mặt hàng nhập khẩu lớn là điện gia dụng và linh kiện đạt 533,6 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 430 triệu USD; rau quả 362,3 triệu USD… Trong khi đó, Thái Lan nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam mặt hàng điện thoại và linh kiện với trị giá đạt gần 500 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 253 triệu USD; dầu thô 217,3 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 157 triệu USD…
Các thị trường lớn khác trong khối ASEAN đạt trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu từ 1 tỷ USD trở lên là Malaysia đạt 4,821 tỷ USD; Singapore đạt 4,3 tỷ USD; Indonesia đạt 3,188 tỷ USD; Campuchia đạt 1,9 tỷ USD; Philippines đạt 1,854 tỷ USD.
Trong khi đó, thương mại Việt Nam và Brunei mới chỉ đạt gần 20 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 10,45 triệu USD với 2 mặt hàng chính là thủy sản và gạo; trong khi nhập khẩu từ vương quốc này 8,28 triệu USD với nhóm hàng chính là hóa chất.
Hiện nay, khu vực ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Tại buổi tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” vừa diễn ra hồi tháng 7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã khẳng định ASEAN là động lực giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng bền vững.
Lễ thượng cờ nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2017) diễn ra sáng nay tại Trụ sở Bộ Ngoại giao. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Sự ra đời và phát triển gần hai năm qua của AEC đã mang những dấu ấn của Việt Nam bởi trên thực tế, Việt Nam đã tham gia tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN ngay từ những ngày đầu khi khu vực thương mại tự do ASEAN mới chỉ manh nha. Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước được gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN.
ASEAN cũng là nguồn cung cấp FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo. ASEAN đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong thời gian qua.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ASEAN đã đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn trong khu vực châu Á thông qua các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc. Thông qua các hiệp định thương mại này, Việt Nam có cơ hội thu hút sự quan tâm đầu tư của các cường quốc trên thế giới.
ASEAN là thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP đạt khoảng 3.000 tỷ USD. AEC được thành lập, các rào cản thuế quan được xóa bỏ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào thị trường nhiều tiềm năng này. Nếu Việt Nam có thể trở thành một "mắt xích" trong dây chuyền sản xuất của khu vực thì khả năng phát triển ra toàn cầu là rất lớn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự đặt chân vào thị trường ASEAN, trở thành người chơi trên thị trường đó và là một người chơi có đủ năng lực. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục đổi mới và cải cách nền kinh tế. Tinh thần đổi mới được thể hiện qua những nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Chính phủ luôn đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng thành công sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp nhận thức và nắm bắt được cơ hội.