Tại huyện Xuyên Mộc, vùng có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà con trồng thanh long cho biết, thanh long ruột đỏ giá đã rớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, thương lái có thu mua cũng chỉ lựa trái to, đẹp không bị nấm bệnh mới mua, còn những trái nhỏ, bị nấm sẽ bị cắt vứt lại vườn. Còn đối với thanh long ruột trắng không tiêu thụ được.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ngụ ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc có 1,5 ha trồng thanh long, trong đó có 6 sào đang cho thu hoạch. Ông Hải cho biết, mới lứa trước cách đây khoảng gần 1 tháng thương lái còn thu mua thanh long ruột đỏ của gia đình ông với giá 33.000 - 35.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng cũng bán được 8.000 đồng/kg. Thế nhưng, khi vừa mưa xuống, thanh long bước vào vụ thu hoạch lứa chính vụ đầu tiên trong năm đã bị rớt giá xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, còn thanh long ruột trắng thì không có thương lái trả giá và thu mua.
Ông Hải ước tính, lứa thanh long chính vụ, với 6 sào đang cho thu hoạch ông sẽ thu về khoảng 5 tấn trái, với giá bán như hiện nay may mắn lắm ông thu được 10 triệu đồng, trong khi đó chi phí cho lứa thanh long này đã đội lên trên 15 triệu đồng tiền phân, thuốc, nhân công rồi. “Do mùa mưa nên thanh long nhiễm nấm, bệnh rất nhiều nên chi phí thuốc, nhân công cũng khá cao khiến chi phí cũng vì thế đội lên, với giá như hiện nay người trồng thanh long làm thì lỗ, bỏ vườn thì cũng không xong”, ông Hải chia sẻ thêm.
Vườn thanh long 4 sào của gia đình ông Phạm Văn Hùng, ngụ ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc cũng đang đến kỳ thu hoạch lứa thanh long chính vụ đầu tiên trong năm, thế nhưng giá rớt xuống còn 2.000 đồng/kg, khiến ông rất buồn. Ông Hùng chia sẻ, chi phí cho lứa thanh long này đã đội lên hơn 10 triệu đồng, với giá bán 2.000 đồng như hiện nay người trồng không có lãi.
Gía thanh long nhiều năm qua liên tục bấp bênh, nếu như cách đây khoảng hơn nửa tháng giá còn ở mức khá cao, thì giờ lại rớt chạm đáy khiến người trồng không kịp trở tay. Chính vì vậy, hiện nay, tại khu vực 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng có nhiều vườn thanh long bị người trồng bỏ hoang hoặc phá bỏ chuyển qua trồng cây trồng khác.
Vườn thanh long 1 ha đã được 5 năm tuổi của gia đình ông Trần Quang Hải, ngụ ấp 3, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc đã bị bỏ hoang không chăm sóc, không thu hoạch để chuyển qua trồng cây tràm ngay sát trụ thanh long, sau đó để thanh long tự chết.
Ông Hải chia sẻ, ông bắt đầu trồng cây thanh long từ năm 2014, đến năm 2018 ông phá bỏ vườn thanh long cũ để thay thế trồng vườn mới áp dụng công nghệ cao, với số vốn đầu tư 500 triệu đồng. Thế nhưng, hơn 4 năm từ khi vườn thanh long cho thu hoạch đến nay ông Hải liên tục thua lỗ. Cụ thể như, vụ thanh long năm 2021 gia đình ông thua lỗ 120 triệu đồng, năm 2022 gia đình ông thua lỗ 62 triệu đồng khiến ông rơi vào cảnh trắng tay phải bán đất để trả nợ ngân hàng. Từ đó, ông đã không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa, vì giá quá thất thường, bấp bênh.
Theo nhiều nông dân trồng hanh long, trồng thanh long ruột đỏ trái vụ nếu tính tất cả các chi phí thì phải bán với giá 20.000 đồng/kg người trồng mới hòa vốn, còn giá thanh ruột đỏ chính vụ phải từ 12.000 đồng/kg trở lên người trồng mới có lãi. Thế nhưng, sau thời gian dài giá thanh long luôn ở mức thấp, đến đầu năm 2023 giá ổn định được một thời gian, đến nay lại tiếp tục rớt xuống đáy, khiến nhiều người trồng chán nản với sự bấp bênh của giá bán loại trái cây này.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến hết năm 2022 tổng diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh khoảng 712 ha, diện tích đang cho thu hoạch là 671 ha, sản lượng đạt 1.559 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại huyện Xuyên Mộc và Châu Đức, trong đó huyện Xuyên Mộc chiến số nhiều diện tích. Hiện, hơn 80% sản lượng thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Giá thanh long giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư cho vụ sản xuất như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động luôn ở mức cao khiến cho thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng, nhiều nhà vườn cầm chắc thua lỗ nặng với giá bán hiện nay.
Hiện đang vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng tăng cao, thanh long có nguy cơ phải đổ bỏ. Trong khi nguồn hàng đạt chuẩn xuất khẩu lại khan hiếm do tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu về chất lượng ngày càng cao, nhiều nhà vườn không đáp ứng được, bởi e ngại đầu tư chăm sóc vì lo giá rẻ.
Điều này dẫn đến tình trạng thanh long không xuất khẩu được, thậm chí cả thị trường như Trung Quốc cũng đang siết chặt các quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, hiện nay cây thanh long diện tích trồng không nhiều, nên tỉnh cũng xác định đây chưa phải là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, định hướng của tỉnh thời gian tới cũng sẽ kêu gọi các nhà đầu tư trồng, chế biến sản phẩm từ các loại cây ăn trái, trong đó có thanh long đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh tại 2 xã Xuân Sơn và xã Cù Bị, huyện Châu Đức (hiện 2 khu này đang tiến hành các thủ tục để thành lập).
Trước giá thành bấp bênh lên xuống của cây thanh long, ông Nguyễn Chí Đức cũng cho biết, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người trồng, khi giá thành sản phẩm hạ xuống thấp, người trồng nên tính toán lại chi phí đầu tư phân, thuốc để hạ giá thành sản phẩm khi bán ra, tránh rơi vào tình trạng chi phí đầu tư vượt giá so với lợi nhuận thu vào, để tránh nhiều rủi ro khi giá thị trường bấp bênh như thời gian qua.