Nhiều dự án đầu tư lớn
Tháng 6/2019, tại Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3, Công ty cổ phần Zinc Oxide Việt Nam đã đưa dự án Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide đi vào hoạt động. Đây là dự án hợp tác giữa Công ty Korea Zinc (Hàn Quốc) và Công ty ZincOx (Anh), sử dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, dự án có năng lực tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm có thể thay thế kẽm cô đặc.
Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất oxit kẽm có độ tinh khiết cao được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ tại thị trường nội địa và quốc tế. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD, công suất thiết kế 100.000 tấn bụi lò thép/năm. Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide đi vào hoạt động đã giúp địa phương giải quyết được bài toán xử lý bụi lò thép phát sinh tồn tại nhiều năm nay mà chưa có giải pháp xử lý.
Tháng 12/2021, Dự án Nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư đã chính thức đi vào hoạt động.
Dự án có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, bao gồm tổ hợp nhà máy sản xuất Polypropylene 1 và 2, công suất 300.000 tấn/năm/nhà máy; bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải 60.000 tấn; nhà máy sản xuất Propylene và Ethylene, công suất 600.000 tấn/năm và kho ngầm LPG sức chứa 240.000 tấn. Đây là dự án lớn nhưng có thời gian triển khai nhanh chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm.
Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, với việc sản xuất 600 ngàn tấn Polypropylene (PP), 600 ngàn tấn Propylene và lưu giữ 240 nghìn tấn khí hóa lỏng LPG mỗi năm, Hyosung Vina Chemicals sẽ góp phần gia tăng xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp của Việt Nam và hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng nghĩa với việc Hyosung Vina Chemicals sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của hai nước Việt Nam – Hàn Quốc nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu và Hàn Quốc nói riêng.
Ngoài 2 dự án kể trên, theo báo cáo từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có 124 dự án FDI có vốn đầu tư Hàn Quốc, với tổng số vốn đăng ký là 5,026 tỷ USD. Trong số các dự án của Hàn Quốc có tới 70% vốn đăng ký vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh. Các dự án kể trên đều có quy mô lớn, công nghệ sản xuất hiện đại đến từ các lĩnh vực sản xuất thép, hóa chất, nhựa, dịch vụ cảng, xây dựng, may mặc, gia công thiết bị....
Chẳng hạn như: dự án Nhà máy sản xuất thép Posco (1,128 tỷ USD), Dự án Posco Yamato Vina (704 tỷ USD), cảng Posco SS Vina (37 triệu USD); Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam (34 triệu USD)... Các dự án FDI của Hàn Quốc được triển khai khá tốt, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ông Park Myong Il, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, Bà Rịa - Vũng Tàu được biết là một trong những tỉnh đầu tàu kinh tế của Việt Nam, có các nền tảng công nghiệp như dầu thô, điện, hóa dầu, thép, xi măng. Với 124 doanh nghiệp Hàn Quốc; trong đó, có Tổng Công ty Dầu khí Hàn Quốc hiện đang tham gia vào việc khai thác dầu và tập đoàn sản xuất thép Posco đã đầu tư vào tỉnh với số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.
Điều đó, nói lên rằng, môi trường đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu được cải thiện ngày càng tốt hơn, nên đã có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư ở những lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích và có lợi thế thu hút đầu tư, như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại dịch vụ...
Sẵn sàng đón thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc
Đầu năm 2022, phái đoàn Hàn Quốc, do ông Park Noh-wan, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Đại sứ Park Noh-wan cũng cho rằng, mối quan hệ hợp tác Hàn Quốc và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển trong tương lai.
Thời gian tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may sẽ đẩy mạnh đầu tư để đón cơ hội mới khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. ngoài lĩnh vực dệt may, thì sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ… cũng được doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, đầu tư tại tỉnh.
Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ một số vấn đề khó khăn của doanh nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh, như: thủ tục truy thu đóng thuế sử dụng đất; hệ thống thoát nước của doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa tốt; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhận tiền hoàn thuế; có biện pháp hỗ trợ nơi ở cho lao động Hàn Quốc khi đến làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu...
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu bày tỏ đối với những vấn đề mà ngài đại sứ và các thành viên trong đoàn đã nêu, tỉnh sẽ sớm có phản hồi đến doanh nghiệp Hàn Quốc và cùng nhanh tháo gỡ.
"Tính đến thời điểm này, Hàn Quốc đang nằm trong "top" đầu về đầu tư FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hàn Quốc được xác định là một trong những nhà đầu tư chiến lược để tập trung thu hút vốn đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới.
Để đón vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Nhiều khu công nghiệp đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế khó tính", Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư là tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư của tỉnh. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư tại tỉnh năng động và thuận lợi. Hàn Quốc được xác định là một trong những nhà đầu tư chiến lược của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng, theo chủ đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần giảm bớt những thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thủ tục hải quan, thủ tục thuế quan và tích cực chống gian lận thương mại.