Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng năm 2024, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). Có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 48,3%).
Về triển vọng năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát tại các thị trường giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú; thu hút FDI đạt kết quả tốt; các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy tác dụng, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, các FTA mới đi vào thực hiện... Do đó, dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới quý I/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường.
Tuy nhiên, những thách thức là các "hàng rào kỹ thuật" mới cần nhận diện rõ, đó là các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu và hạn chế các thách thức, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời, tận dụng các FTA để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, tiến ra thị trường quốc tế.
Nói về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, ThS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Kinh tế toàn cầu phục hồi, mạng lưới các FTA đã tạo thêm cơ hội để gia tăng xuất khẩu, gắn với đà phục hồi của chuỗi cung ứng ở châu Á. Tuy nhiên, bên cạnh đó là thách thức từ xu hướng phát triển bền vững, việc gia tăng các biện pháp thương mại tại nhiều thị trường...
Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường và đề ra kế hoạch ứng phó; Nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh doanh mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...); tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với các xu hướng, quy định mới (CBAM, EUDR, bảo vệ dữ liệu cá nhân,...); đề xuất các hỗ trợ kỹ thuật phù hợp từ các đối tác (các cơ quan nhà nước khó có thể đưa ra đề xuất hỗ trợ cụ thể từ đối tác)...
Từ góc độ hoạt động logistics, ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần sử dụng dịch vụ kho bãi linh hoạt, áp dụng các kho ngoại quan, kho chung (fulfillment center) để giảm chi phí lưu trữ và tăng tốc độ xử lý hàng hóa; Đảm bảo tính bền vững và thân thiện môi trường, áp dụng giải pháp logistics xanh, giảm lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận chuyển.
Bên cạnh đó, cần chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh theo hướng tối ưu hoá sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến giúp giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải; Tối ưu hóa lộ trình và phương thức vận tải thông qua kết hợp đa phương thức vận tải (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt) để tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển.