Lớn mạnh cùng sự phát triển của đất nước
Trong phòng truyền thống của Tổng công ty May 10 có một hiện vật gốc, rất quý, đó là lá thư Bác Hồ gửi cho “May 10” sau ngày Người về thăm (8/1/1959). Trong các cuộc kháng chiến trước đây, nhất là thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, May 10 đã phải di chuyển nhiều nơi, nhưng mỗi lần di chuyển, lá thư của Bác Hồ đều được cất giữ cẩn thận và di chuyển đến nơi an toàn trước tiên. Các thế hệ May 10 đều tâm niệm, đây là “bảo vật” của doanh nghiệp, là lời nhắc nhở mỗi cán bộ, nhân viên May 10 luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nội dung lá thư Bác Hồ gửi cho May 10 khá ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị mà gần gũi. Bác viết: “Bác rất vui lòng, các cô, các chú có tiến bộ khá về: Đoàn kết thân ái, liên tục thi đua, cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quản lý xí nghiệp. Chắc các cô, các chú đã tự thấy rằng: Tư tưởng thông thì công việc tốt, những kinh nghiệm ấy nên phổ biến cho các nhà May khác. Nhưng các cô, các chú chớ có thấy tiến bộ mà tự mãn, tự kiêu. Trái lại, cần phải cố gắng nữa để tiến bộ mãi”.
Ông Thân Đức Việt, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, ngay sau khi nhận được lá thư Bác Hồ, Xí nghiệp May 10 đã phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác. Liên tục từ đó đến nay, trải qua hàng thập kỷ, phong trào thi đua đó chưa bao giờ dừng lại. Tổng công ty May 10 hiện nay được đánh giá là doanh nghiệp đi đầu trong ngành dệt may Việt Nam và được tặng nhiều phần thưởng cao quý như danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm cho đội ngũ doanh nhân. Ngày 13/10/1945, không lâu sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, giữa bộn bề việc nước, Bác đã viết thư gửi cho giới Công thương Việt Nam. Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử đó, mà còn thể hiện ở nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.
Đến nay, sau nhiều năm đổi mới, cùng với sự tin yêu và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước.
Hơn 3 thập kỷ qua, thựchiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam đã phát triển bừng nở, đáng tự hào. Tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi chịu sào, gần 800.000 doanh nghiệp, 5,4 triệu hộ kinh doanh. Các doanh nhân không ngừng nỗ lực đón nhận các cơ hội trong sản xuất, kinh doanh, vì mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Lực lượng tiên phong phục hồi kinh tế
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - người đã có nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp đánh giá, lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển liên tục cả về chất lượng và số lượng; đã hình thành một số thương hiệu lớn và trở thành bạn hàng uy tín với đối tác quốc tế. Doanhtrên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách, cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
“Những tháng ngày qua, Việt Nam và thế giới đang trải qua cơn đại dịch thế kỷ mang tên COVID-19. Một thử thách chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và sự phấn đấu kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép: Khống chế được dịch bệnh và duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng, sinh kế của người dân. Chúng ta đặc biệt trân trọng các doanh nhân đã vì doanh nghiệp, vì người lao động, vì nền kinh tế đất nước trong khó khăn đã không buông bỏ, chịu lỗ, chịu thua, hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để duy trì doanh nghiệp. Họ xứng đáng là những dũng sỹ, những anh hùng”, TS Vũ Tiến Lộc nhận xét.
Hiện nay, khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và đối diện với nhiều nguy cơ suy thoái kinh tế hậu COVID-19, doanh nhân Việt Nam lại là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn; trở thành lực lượng tiên phong phục hồi và phát triển kinh tế khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng trịgiá xuất khẩu của Việt Nam đạt 122,48 tỷ USD, tăng 16,5%, tương ứng tăng 17,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, cần chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhất là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.