Tháng tư về Bạc Liêu nghe câu hò hay điệu vọng cổ cất lên từ khu du lịch “Công tử Bạc Liêu” hay các quán ca tài tử ven sông quyện vào làn gió biển làm mát dạ du khách. Bạc Liêu là vùng đất sinh ra bài ca “Dạ cổ hoài lang” và cũng là cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ và phát triển sau này trở thành vọng cổ. Bạc Liêu có truyền thống cách mạng rất hào hùng, mà theo sử sách Nam bộ đã có 3 trong số 4 cuộc nổi dậy điển hình của nông dân Nam bộ chống đế quốc, phong kiến thì 2 lần giành chính quyền trọn vẹn từ tay giặc không cần tiếng súng.
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa ở Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khương |
Đặc biệt, cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bạc Liêu là tỉnh giải phóng sớm nhất so với các tỉnh Tây Nam bộ trước 2 ngày (28/4/1975). Hôm nay, để cùng cả nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bạc Liêu đã khai thác lợi thế “đôi bờ” mặn - ngọt của mình, biến vùng đất “khó” khởi sắc từng ngày.
Mũi nhọn kinh tế ven biển
Trong thời gian qua, Bạc Liêu xác định lợi thế vùng ven biển (Nam quốc lộ 1A), với hai tiểu vùng: Ngoài đê biển sẽ tiếp tục trồng thêm rừng gắn với khai thác có hiệu quả đất bãi bồi, nhất là du lịch, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Bên trong đê khai thác thế mạnh là tôm công nghiệp, trong đó tôm sú là chủ lực.Tỉnh đã qui hoạch lại diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp 15.000 ha và được ưu tiên đầu tư về hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo nuôi tôm đạt hiệu quả. Số diện tích còn lại sẽ chuyển sang nuôi quảng canh, kết hợp với trồng rừng và làm du lịch theo mô hình sinh thái.
Những nơi vẫn còn trồng lúa, trồng hoa màu có hiệu quả như ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) còn khả năng trồng lúa, trồng hoa màu thì khoanh bao giữ ngọt để phát triển lúa và hoa màu theo hướng thâm canh chất lượng cao an toàn. Như vậy, vùng Nam quốc lộ 1A là vùng phát triển đa dạng, mục tiêu chính là tăng thêm diện tích rừng, đảm bảo môi trường, sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả sản phẩm là tôm nguyên liệu xuất khẩu.
Phát triển phong điện vùng ven rừng ngập mặn. Ảnh: Quốc Thái |
Trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu ven bờ, tỉnh Bạc Liêu xây dựng và phát triển công nghiệp chế biến thủy sản xưất khẩu. Khu kinh tế biển Gành Hào tiếp tục đẩy mạnh triển khai thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Trà Kha. Đầu tư nâng công suất đội tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn Gành Hào thành đội tàu mạnh bám biển dài ngày. Hiện nay tỉnh có tổng số tàu cá là 1.143 chiếc, trong đó đánh bắt xa bờ 416 chiếc, tổng công suất 123.627 CV… Từ đó tạo nguồn nguyên liệu cung ứng thủy, hải sản chế biến xuất khẩu từ hai nguồn nuôi ven biển và khai thác đánh bắt xa bờ.
Bạc Liêu còn đưa tuyến đường Gành Hào - Giá Rai - Vĩnh Thuận, Kiên Giang vào quy hoạch các tuyến đường ngang của quốc lộ Hồ Chí Minh trong tương lai. Tỉnh bổ sung các tuyến giao thông huyết mạch như: Gành Hào - Hộ Phòng, Láng Trâm - Quản lộ Phụng Hiệp, đường Cao Văn Lầu, cầu Bạc Liêu 4 vào quy hoạch phát triển giao thông nối liền với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tập trung đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Trung ương cũng đã đồng ý hỗ trợ vốn đầu tư dự án bờ kè sông Bạc Liêu - đoạn qua nội ô thị xã Bạc Liêu để vừa chống sạt lở, ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng cao, vừa góp phần chỉnh trang đô thị cho thành phố Bạc Liêu theo hướng văn minh, hiện đại. Các dự án cùng với những công trình kết hợp khác trên địa bàn tỉnh đang và sắp triển khai làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu; sẽ làm cho Bạc Liêu phát triển ngang tầm với tiềm năng của kinh tế biển và ven biển. Bạc Liêu đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tìm đến đầu tư.
Bờ Nam vùng ven biển Bạc Liêu còn có lợi thế đang được khai thác có hiệu quả như du lịch sân chim Bạc Liêu, du lịch vườn nhãn, du lịch tâm linh Bà Quan Âm… thu hút hàng trăm ngàn lượt khách nội địa và quốc tế mỗi năm. Để khai thác lợi thế này tỉnh Bạc Liêu đã đưa một dự án du lịch vào quy hoạch du lịch quốc gia, du lịch vùng. Trong đó sẽ khai thác tối đa tiềm năng biển xây dựng các khu nghỉ dưỡng (Resort) như đã khởi công ở phường Nhà Mát, bờ hồ thành phố Bạc Liêu, nâng cấp khu du lịch vui chơi giải trí gắn với các giai thoại về Công tử Bạc Liêu…
“Quả đấm” kinh tế bên bờ ngọt
Đối với vùng Bắc quốc lộ 1A, là một vùng có nhiều tiểu vùng sinh thái rất đa dạng tạo cho Bạc Liêu có nhiều đặc sản, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt để ổn định nguồn nước cho các vùng quy hoạch chuyên lúa, chuyên tôm, lúa - tôm, gắn với đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt tỉnh sẽ triển khai 1 dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại vùng này, trước hết là đối với cây lúa, sau đó là con tôm, các loại cây con khác, nhằm phát huy hết tiềm năng của đồng đất Bạc Liêu thành những sản phẩm hàng hóa hữu cơ sạch.
Để khai thác và đạt được những kết quả từng tiểu vùng, ngành nông nghiệp đã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng cho phát triển nông nghiệp. Trước năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 16 tuyến kênh trục và kênh cấp 1, có 50 kênh cấp 2 và một số tuyến kênh mương nội đồng, chưa có các công trình đê, kè, cống, đập… thì hiện nay hệ thống thủy lợi phát triển gắn liền với chương trình ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng và áp dụng công nghệ cao, thiết bị mới, qua đó tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn ngày càng có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có đê biển dài 52,4 km, đê sông và bờ bao dài 379 km. Hệ thống công trình thủy lợi còn tạo điều kiện để phát triển giao thông, góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân. Mục tiêu đến năm 2015 triển khai nhiều dự án sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển lợi thế mạnh vùng ngọt hóa trở thành quả đấm kinh tế của tỉnh. Từ đó tái cấu trúc, cơ cấu lại sản xuất lúa - tôm, kết hợp các mô hình nuôi đa canh, đa con tôm sú, cá, cua, cá kèo,...
Lợi thế vùng ngọt hóa được khai thác đúng hướng đa canh, đa con đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhất là gắn quy hoạch thủy lợi kết hợp với giao thông từng tiểu vùng, khai thác đưa vào sử dụng các vùng đất bồi, trũng phèn, đưa quỹ đất nông nghiệp lên 225.569 ha, chiếm 87,74% quỹ đất canh tác của tỉnh. Riêng sản xuất lúa gạo có bước phát triển nhanh, sản lượng lúa năm qua đạt 900.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn và cung cấp cho thị trường 150.000 - 300.000 tấn lúa hàng hóa/năm... Đặc biệt là tỉnh có diện tích lúa - tôm kết hợp lớn nhất hiện nay ở ĐBSCL với gần 70.000 ha, tạo ra hàng trăm ngàn tấn lúa, hàng chục tấn tôm sạch cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngành thủy sản tăng nhanh cả về quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2011 đạt 251.120 tấn. Xuất khẩu thủy sản năm 2011 vượt mốc 240 triệu USD.
Riêng quý I/2012, tỉnh Bạc Liêu đã thu hoạch được trên 301.000 tấn lúa hàng hóa, trong đó có nhiều giống lúa đặc sản như Một bụi đỏ, trở thành thương hiệu khá nỏi tiếng trong vùng, cả nước và cung cấp cho thị trường xuất khẩu lúa gạo khá lớn trong vùng ĐBSCL. Tổng diện tích tôm đang thả nuôi đạt trên 107.000 ha, đạt 84% kế hoạch năm, tổng sản lượng thủy sản từ nuôi và khai thác biển đạt trên 47.000 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó có hơn 12.000 tấn tôm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chế biến xuất khẩu và đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 40 triệu USD. Nguồn thủy sản đã góp phần cho thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 407 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Kết quả từ khai thác vùng sinh thái đôi bờ mặn - ngọt tỉnh Bạc Liêu đã khởi sắc từng ngày, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng khá nhanh: Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đạt 22.275 tỷ đồng, doanh thu bình quân/ha đất nông nghiệp từ 5,42 triệu đồng năm 1997 tăng lên 98,75 triệu đồng vào năm 2011; thu ngân sách vượt 1.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16% theo tiêu chí mới; chương trình xây dựng nông thôn mới đang được nhân dân đồng thuận cao.
Những chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Bạc Liêu nêu trên sẽ là nền tảng bước đầu, nó sẽ lan tỏa dần và tăng trưởng lên tầm cao hơn, hiệu quả hơn từ khai thác lợi thế đôi bờ mặn - ngọt để cùng với các tỉnh ĐBSCL và cả nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quốc Thái - Cao Thăng