Theo đó, tỉnh phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các đơn vị đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân trong khu vực cách ly, phong tỏa; tăng cường việc quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, tích trữ hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ; phát hiện xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân có hàng vi lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao để đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán hàng giả thu lời bất chính.
Từ đầu năm đến nay, cùng với chương trình bình ổn giá các mặt hàng Tết Nguyên đán cho đến thời điểm có dịch bùng phát, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện chương trình bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền 60 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp tham gia.
Riêng đối với diễn biến tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh rà soát, xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yết cho người dân với mọi tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh dự trữ nguồn nguyên liệu hàng hóa nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Đến nay, các đơn vị đã cam kết chuẩn bị nguồn hàng tăng gấp 2-3 lần số lượng hàng hóa khi xảy ra dịch, sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu theo dự điều tiết của cấp có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
Theo số liệu khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, trong điều kiện bình thường, khả năng cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh gồm 10.500 tấn gạo, 3.500 tấn thịt lợn, gần 1.600 tấn thịt gia cầm, 27.000 quả trứng gia cầm, 3.100 lít dầu ăn, trên 10.000 tấn rau, củ, quả… Căn cứ vào nhu cầu sử dụng cho dân số trong toàn tỉnh, những hàng hóa thiết yếu trên sẽ đảm bảo tiêu dùng cho nhân dân tối thiểu trong 1 tháng, nhiều mặt hàng đảm bảo cung ứng cho nhân dân trong thời gian dài hơn.
Tuy nhiên, nhận định khi địa bàn có trên 1.000 ca mắc, đời sống nhân dân sẽ có biến động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, một số đơn vị dừng hoạt động động sản xuất kinh doanh; trong đó có các đơn vị cung ứng một số mặt hàng thiết yếu, do đó Bắc Ninh sẽ cần sự hỗ trợ và cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân từ các tỉnh, thành phố khác.
Trong thời gian này, để góp phần ổn định cung cầu, thị trường hàng hoá, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với số lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình.
Mặc dù tình hình dịch bệnh còn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, chợ, các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn hoạt động bình thường và có kế hoạch chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú được quản lý theo chuỗi cung ứng trên toàn quốc, bảo đảm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.