Liên tiếp phát động phong trào thi đua
Những ngày cuối tháng 11, bầu không khí hối hả hiện diện ở hầu khắp các công trình đang thi công của tỉnh Bắc Ninh. Cán bộ, công nhân của các nhà thầu đều nỗ lực "vượt nắng, thắng mưa" để thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, toàn lực hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của năm 2024.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chỉ đạo thiết thực, nhằm đốc thúc các đơn vị tăng tốc để về đích. Trong đó, nổi bật là phong trào thi đua "100 ngày cao điểm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh", diễn ra từ ngày 15/8 - 22/11/2024, do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh phát động. Sự kiện này đã khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh trong huy động sức mạnh tập thể của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân vào cuộc, đồng lòng giải quyết dứt điểm khó khăn, triển khai hoàn thành các dự án đầu tư công.
Tiếp sau đó, ngày 2/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh lại phát động phong trào thi đua "455 ngày đêm hoàn thành xây dựng đường song hành (đường đô thị) đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nhờ sự quyết liệt này, mà việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đã có những chuyển biến rất đáng kể.
Cụ thể, theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, đến ngày 25/11/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 3.986 tỷ đồng vốn đầu tư công (bao gồm cả vốn kéo dài), đạt 55,8% so với số vốn 3 cấp UBND tỉnh - huyện - xã phân bổ chi tiết; đạt 44% so với số vốn Chính phủ giao và đạt 41,7% so với số vốn UBND tỉnh giao phân bổ chi tiết và giao UBND cấp huyện.
Trong đó, vốn đầu tư công ngân sách tỉnh quản lý 2.534 tỷ đồng; vốn đầu tư công ngân sách huyện, xã quản lý 1.441 tỷ đồng; vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp gần 11 tỷ đồng.
Sát sao từng phút, từng giờ
Không chỉ có những chỉ đạo quyết liệt, mà lãnh đạo tỉnh còn sát sao với việc giải ngân vốn đầu tư công; thông qua những cuộc kiểm tra thực địa; qua đó nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đối với các dự án đầu tư công.
Đồng thời, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố có dự án được giao vốn đầu tư công, phải trực tiếp chỉ đạo kiểm soát tiến độ giải ngân hằng tuần, hằng tháng và chịu trách nhiệm toàn diện trước tỉnh về kết quả giải ngân năm 2024. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung quyết liệt đôn đốc tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án, đảm bảo tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cả năm 2024 theo đúng kế hoạch.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2 (thành phố Bắc Ninh) đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến tái định cư, giải phóng mặt bằng chậm, còn phần diện tích khoảng hơn 11.000 m2 đất ở chưa thực hiện bồi thường; vướng hệ thống cấp nước của thành phố tại nút giao đường Âu Cơ với đường H2; kiến nghị điều chỉnh giá trị dự toán công trình do phát sinh bù giá vật tư, vật liệu xây dựng, khối lượng cọc ván thép, cự ly vận chuyển…
Trước thực tế này, ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, đã chỉ đạo nhà đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND thành phố Bắc Ninh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. UBND thành phố Bắc Ninh tăng cường tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân hiểu rõ luật pháp; đưa ra mức đền bù thoả đáng, đúng quy định, nếu người dân vẫn cố tình không chấp hành, đề nghị thực hiện các bước, trình cấp thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, trung tuần tháng 12 phải có kết quả về giải phóng mặt bằng.
Ông Ngô Tân Phượng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện rốt ráo trong tháng 12, nhằm đẩy nhanh tiến độ chung toàn dự án.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành bảng giá đất điều chỉnh, bổ sung 2 dự án tái định cư, làm căn cứ để UBND thành phố tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND thành phố Bắc Ninh và nhà đầu tư rà soát, lập trình thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối ứng theo quy định của pháp luật. Sở Giao thông Vận tải phối hợp Công ty nước Bắc Ninh thực hiện xong đường ống nước vào tuần đầu tháng 12.
Còn với dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa phận thành phố Bắc Ninh và thị xã Quế Võ- công trình trọng điểm được tỉnh đặc biệt quan tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng yêu cầu cấp uỷ, chính quyền địa phương có dự án đi qua cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư, bảo đảm tiến độ thi công.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị nhà thầu ký cam kết với chủ đầu tư về các mốc thời gian thực hiện theo kế hoạch phát động 455 ngày đêm hoàn thành xây dựng đường song hành, dự án đường Vành đai 4. Đồng thời, phải bảo đảm năng lực thi công, tăng cường trang thiết bị triển khai thi công ngay các đoạn tuyến đã có mặt bằng, ưu tiên tập trung thi công tại các vị trí nền đất yếu, ao, hồ. Chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức giao ban với các nhà thẩu kiểm đếm khối lượng hàng tuần.
Các nhà thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, chính quyền địa phương để tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng; chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu xây dựng, bảo đảm tiến độ thi công; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quyết toán khối lượng để thực hiện giải ngân, bảo đảm tiến độ chung toàn dự án.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh Nguyễn Minh Hiếu, thực hiện Phong trào thi đua "455 ngày đêm hoàn thành xây dựng đường song hành (đường đô thị) đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội" của UBND tỉnh, ngành Giao thông Vận tải cùng các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ giải quyết dứt điểm những khó khăn, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa dự án về đích trước khoảng 1 năm so kế hoạch Chính phủ, Quốc hội giao.