Không khó để nhận thấy tín dụng đang có dấu hiệu tăng tốc nhưng vẫn còn cách khá xa chỉ tiêu định hướng đầu năm. Các ngân hàng cũng đang nỗ lực đẩy mạnh cung ứng vốn với hàng loạt các gói tín dụng ưu đãi, nhất là sau quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Dù vậy, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng là điều cần phải lưu tâm.
Kích cầu tín dụng
Đón "sóng" nhu cầu vốn tăng cao của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp dịp cuối năm dành cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, nhiều ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất đối với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã công bố giải ngân linh hoạt đối với khách hàng cá nhân vay tín chấp trên ứng dụng VPBank NEO. Lãi suất khoản vay sẽ được giảm 0,5% trên mỗi lần điều chỉnh và tối đa giảm đến 3% so với lãi suất tại thời điểm giải ngân.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng dành 10.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 – 12 tháng, áp dụng đến hết ngày 31/01/2024. Đối với khách hàng doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh trung dài hạn và mua xe ô tô thuộc gói 1.000 tỷ đồng trước đó cũng được giảm lãi suất cố định trong 12 tháng còn 8%/năm, triển khai đến hết ngày 31/12/2023.
Đối với khách hàng cá nhân, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất gói 15.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn chỉ từ 6%/năm kỳ hạn 1 – 3 tháng, 6,5%/năm kỳ hạn 4 – 6 tháng, triển khai đến hết ngày 31/01/2024. Đối với gói 10.000 tỷ đồng phục vụ đời sống, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 6 tháng đầu xuống còn 6,5%/năm hoặc cố định trong 12 tháng đầu 7,5%/năm, triển khai đến hết ngày 31/12/2023.
Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), khách hàng cá nhân vay linh hoạt có lãi suất chỉ từ 6-6,5%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng giảm tiếp 2%/năm lãi suất cho vay dành cho các khách hàng hiện hữu, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) có thể được điều chỉnh giảm lãi suất đến 4% tùy theo lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay…
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng dành 15.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất điều chỉnh mới từ 5,9%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh chỉ từ 5,4%/năm và lãi suất vay tiêu dùng từ 6,5%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho vay các hộ kinh doanh với lãi suất từ 7%/năm và từ 4,9%/năm cho khách vay mua nhà.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) triển khai ưu đãi lãi suất từ 5,5%/năm khi khách hàng vay bổ sung vốn lưu động. VIB còn cho vay khách hàng cá nhân để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác ưu đãi chỉ 0% trong tháng đầu tiên; từ các tháng sau, mức lãi suất áp dụng theo chương trình ưu đãi hiện hành của ngân hàng...
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm khoảng 1,5 - 2%/năm so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ giảm lãi suất cho vay vẫn chưa tương xứng với lãi suất huy động.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất và thương mại Giải pháp xanh Bình Phước cho biết trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu, doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm để giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí hoạt động và thêm nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cùng quan điểm, ông Phan Thế Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp Trẻ tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị lãi suất ngân hàng cần hạ thấp xuống hơn nữa, đồng thời cơ cấu nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp có đầu tư dài hạn.
Nâng khả năng hấp thụ
Lãi suất giảm là một trong những yếu tố kích thích nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp, nhưng chỉ vậy thôi là chưa đủ.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết tuy lãi suất đang ở mức rất hấp dẫn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó vay vì đang vướng về mặt pháp lý, quy hoạch, thiếu chứng nhận đầu tư nên chưa đáp ứng đủ chuẩn tín dụng.
Mặt khác, một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, dự báo mức chi tiêu, sức mua hàng của người dân trong dịp cuối năm và dịp Tết sắp tới sẽ khó cao được như trước nên doanh nghiệp cũng không dám vay vốn ngân hàng để "ôm hàng" như mọi năm. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ nhập hàng với số lượng khiêm tốn bằng nguồn vốn xoay vòng để tránh áp lực trả nợ.
Trao đổi với phóng viên về thực tế này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định dù lãi suất và thủ tục vay vốn tại các ngân hàng đang rất ưu đãi nhưng việc thiếu đơn hàng, sức cầu thấp sẽ là rào cản khiến doanh nghiệp ngại vay vốn. Nút thắt cần giải quyết ở đây là vấn đề đầu ra, kích thích được tăng trưởng tiêu dùng trong nước thì mới đẩy mạnh được hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu vốn vì thế cũng sẽ tăng theo, tín dụng mới có thể đẩy mạnh.
Ở một góc nhìn khác, giới chuyên gia khá lạc quan trước một vài số liệu được cho là phản ánh xu hướng phục hồi rõ rệt, giúp triển vọng về nhu cầu vốn tăng mạnh trở lại.
Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy đà phục hồi sản xuất đang trở lại mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2023 ước tính tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 13 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp sản xuất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm và chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm.
Các chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng sản xuất và xuất khẩu sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi trong năm tới từ mức nền thấp của năm 2023 nhờ đơn đặt hàng bên ngoài tăng trong bối cảnh lạm phát và tồn kho giảm ở các thị trường phát triển. Theo sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện trong năm 2024 và góp phần củng cố, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Với chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm, dư địa còn lại của toàn hệ thống để mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế. Dự báo sau quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, chuyển hạn mức từ những ngân hàng còn dư sang các ngân hàng cần mở rộng, tăng trưởng tín dụng trong tháng 12 sẽ có nhiều bứt phá.
Tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” diễn ra sáng 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước bảo đảm thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2023 để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, tạo đà cho năm 2024 gắn với an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng, chênh lệch lãi suất bình quân giữa tiền gửi và cho vay, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng trong các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.