Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài 3

Gần 8 năm góp đất trồng cây cao su, nhiều hộ dân vẫn chưa được chính quyền cấp giấy Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và ký hợp đồng góp đất với công ty cao su. Người dân lo lắng sẽ bị mất đất và boăn khoăn vườn cây cao su sắp mở miệng thì dựa cơ sở nào để được ăn chia lợi nhuận?

CHẬM CẤP SỔ ĐỎ DÂN GÓP ĐẤT THÊM LO

Dân chờ sổ đỏ

Cả tỉnh Lai Châu hiện nay đã trồng được 13.075 ha, nhưng mới cấp được khoảng 40% sổ đỏ, số hộ dân chưa được nhận thì phải chờ từ ngày này qua ngày khác. Cụ thể, tại bản Pá Bon, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có khoảng 300 ha góp vào Công ty CP cao su Lai Châu II, nhưng gần 4 năm vẫn chưa một hộ nào được cấp sổ đỏ. Trưởng bản Sìn Thị Hoan cho biết: “Người dân có đất góp trồng cao su liên tục đến nhà tôi hỏi bao giờ mới được cấp sổ đỏ. Tôi hỏi xã, xã bảo lên hỏi huyện. Chúng tôi chờ mãi vẫn không thấy cấp sổ đỏ, mà chưa có sổ đỏ thì chưa được ký hợp đồng với công ty. Mọi người cứ sợ mất đất…”.

Gia đình anh Lò Văn Chiến, ở bản Pá Bon có 3,4 ha đất góp đất vào công ty để trồng cao su, chưa nhận sổ đỏ, nên phải tính cách thuê người làm trên diện tích nhận khoán chăm sóc 4 ha để giữ đất. Lương làm công nhân thấp, anh Chiến định bỏ việc, nhưng sợ không ai canh đất sẽ không được cấp sổ đỏ thì mất đất. Không chỉ riêng nhà anh Chiến, hàng chục hộ dân trong bản cũng đang sốt ruột, tìm hiểu do chính quyền chưa cấp sổ đỏ cho bà con, hay cấp rồi mà đang nằm ở chỗ nào. Thành ra nhiều nơi đồn đại rằng, công ty cao su nhận và cầm cố ngân hàng để vay vốn?

Một cán bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên (xin giấu tên) cũng bức xúc không kém gì người dân góp đất trồng cao su. Vị cán bộ này đánh giá trồng cây cao su ở địa phương mất nhiều hơn được. Trước kia, cán bộ công ty cao su đến vận động người dân thì vẽ ra nhiều viễn cảnh màu hồng như được làm công nhân lương cao, sau này giàu có… thực tế bây giờ dân đang dở khóc dở cười với cây cao su.

Dân bản Pá Bon cho biết, năm 2014, lãnh đạo tỉnh và huyện về Công ty CP cao su Lai Châu II, có mời bà con góp đất trồng cao su lên, rồi tổ chức lễ ký kết hợp đồng góp đất. Ai cũng nghĩ như vậy là xong, không phải lo nghĩ, nhưng qua tìm hiểu mới biết chưa có sổ đỏ sao được ký hợp đồng.

Trao đổi vấn đề chưa cấp sổ đỏ cho các hộ góp đất, ông Phan Thanh Biện, Phó Tổng giám đốc Công ty CP cao su Lai Châu II, cho hay: “Công ty đã nhận được 1.000 ha đất đã có sổ đỏ (tổng số 4.646 ha cao su đã trồng) và ký hợp đồng. Tiến độ như vậy là chậm, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với chính quyền sớm cấp sổ đỏ cho các hộ còn lại, rồi tiến hành ký hợp đồng trước khi khai thác mủ, để có cơ sở pháp lý ăn chia lợi tức”.

Một đơn vị khác, Công ty CP cao su Lai Châu cũng chỉ mới có 4.500 ha được cấp sổ đỏ trên tổng số diện tích 6.886 ha. Tuy nhiên, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho rằng: “Tỷ lệ diện tích được cấp sổ đỏ của địa phương như vậy là cao hơn nhiều so các địa phương lân cận trồng cao su. Đạt được kết quả như vậy là sự nỗ lực cố gắng của chính quyền và doanh nghiệp trồng cao su”.

Bao giờ có hợp đồng góp đất?

Tỉnh Điện Biên đã trồng được gần 5.000 ha cao su, nhưng vẫn chưa có hộ dân nào được ký hợp đồng góp đất với công ty cao su, mặc dù kế hoạch 2016 sẽ đưa vào “mở miệng” khoảng 2.000 ha.

Bản Bó Hoóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (Điện Biên) có 27 hộ góp hơn 12 ha đất vào Công ty cổ phần cao su Điện Biên, nhưng gần 4 năm vẫn chưa có hộ nào được cấp sổ đỏ và ký hợp đồng, để khẳng định quyền lợi của mình. Trưởng bản Lò Văn Dũng cho biết, suốt ngày người dân đến thắc mắc tại sao người dân chưa được cấp sổ đỏ và ký hợp đồng với công ty, để có căn cứ ăn chia sản phẩm khi thu hoạch mủ. Nhiều gia đình đòi lên nương nhà mình phá bỏ cây cao su, để lấy đất trồng cây lương thực khác, cán bộ bản phải đứng ra khuyên nhủ bình tĩnh chờ đợi thêm, xem sự thể thế nào rồi tính tiếp.

Có gần 1 ha đất góp vào công ty cao su, ông Lò Văn Hụt ở bản Bó Hoóng bức xúc nói: “Trước cán bộ về vận động dân trồng cây cao su thì ngon ngọt, hứa hẹn đủ thứ, nhưng bây giờ để dân phải thấp thỏm chờ đợi. Công ty cao su đã làm chúng tôi rất nản, tôi không còn hy vọng gì nữa. Chờ thêm thời gian vẫn chưa được cấp sổ đỏ và ký hợp đồng, tôi sẽ lấy lại đất để trồng cây khác kiếm cái ăn”.

Tiếp xúc với dân, chúng tôi thấy khá nhiều người dân bức xúc, lo lắng mất đất, làm cho dư luận nóng lên. Trao đổi với ông Nguyễn Trung Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP cao su Điện Biên, ông cho biết, một số diện tích đã được cấp sổ đỏ, nhưng công ty vẫn chưa ký hợp đồng, chờ cấp hết sổ đỏ thì sẽ ký đồng loạt. Theo ông Thành, người dân không phải lo lắng về chuyện này vì công ty làm đúng thủ tục là phải ký xong hợp đồng góp đất thì công ty mới cho người khai thác mủ cao su.

Xem Bài cuối: Dân không còn mặn mà với cao su

Việt Hoàng
Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài cuối
Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài cuối

Nói tới việc trồng cao su, anh Sơn lắc đầu nói “nghèo thêm thôi”. Anh Sơn kể một số hộ trong bản không góp đất, họ trồng cây ngô, cây chuối thì đã đổi đời, mua được xe máy và các vật dụng trong gia đình.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN