Mặc dù vậy, dòng tiền chảy vào thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua vẫn đạt gần 7.200 tỷ đồng. Đây là mức cao thứ 2 từ trước đến nay khi các nhà đầu tư vẫn tìm được cơ hội cho mình kể cả khi giá tăng hoặc giảm, thể hiện rõ rệt ưu thế của thị trường này so với các kênh đầu tư truyền thống khác.
Kết thúc phiên hôm qua, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở CBOT tiếp tục diễn biến trái chiều. Mặc dù chịu tác động từ một loạt các báo cáo quan trọng, tuy nhiên xu hướng riêng của từng mặt hàng vẫn duy trì giống với phiên trước đó.
Lúa mì Chicago tiếp tục giảm mạnh gần 20 cents về đóng cửa ở mức 776,75 cent/giạ, thấp nhất kể từ cuối tháng 10 đến nay. Bán hàng lúa mì Mỹ trong tuần kết thúc ngày 02/12 tăng mạnh trở lại, chỉ giúp giá phục hồi nhẹ trong đầu phiên tối, trước khi giảm mạnh trở lại do tác động từ báo cáo Cung – cầu nông sản tháng 12 được USDA phát hành lúc 24h đêm hôm qua.
Trong báo cáo này, USDA tăng dự đoán tồn kho lúa mì Mỹ 21/22 lên mức 598 triệu giạ, cao hơn so với mức dự đoán trước đó của thị trường. Kết hợp với việc, tồn khô lúa mì thế giới 21/22 cũng tăng mạnh lên mức 278,18 triệu tấn, xấp xỉ biên trên của khoảng dự đoán, do sản lượng tăng ở Nga, EU, Canada và Australia, cũng góp phần khiến cho lực bán áp đảo cho đến tận cuối phiên.
Đối với ngô, mặc dù chịu áp lực bán cùng với giá lúa mì ngay sau báo cáo, kết hợp với việc USDA tăng dự báo tồn kho ngô thế giới 21/22 lên mức 305,54 triệu tấn, cao hơn dự đoán do sản lượng ngô tăng thêm 2 triệu tấn ở Ukraine và 2,5 triệu tấn ở EU, nhưng các số liệu bán hàng khá tích cực trong báo cáo Export Sales và triển vọng nhu cầu vẫn ổn định giúp giá phục hồi trở lại ngay sau đó. Đóng cửa, giá ngô kỳ hạn tháng 03 vẫn tăng 0,77% lên mức 591,75 cent/giạ.
Trong khi đó, ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của giá ngô, cùng với việc tồn kho đậu tương thế giới 21/22 được USDA giảm dự báo về mức 102 triệu tấn, trái với các dự đoán tăng trước đó của thị trường giúp cho toàn bộ nhóm đậu tương phục hồi trở lại sau báo cáo.
Trước đó, việc CONAB tăng dự báo sản lượng đậu tương của Brazil lên mức kỷ lục 142,8 triệu tấn, và xuất khẩu lên mức 90.67 triệu tấn, đã khiến giá đậu tương chịu áp lực bán lớn, bất chấp các số liệu bán hàng tích cực trong báo cáo Export Sales của USDA.
Tuy nhiên, tồn kho đậu tương Brazil niên vụ tới cũng giảm mạnh gần 1 nửa so với báo cáo tháng 11, về chỉ còn 5,3 triệu tấn, cùng lực mua kỹ thuật ở vùng giá 1250, đã giúp hạn chế đà giảm. Đậu tương đóng cửa tăng nhẹ 0,28% và giúp khô đậu tương cũng tiếp tục tăng 0,7% lên mức 359,7 USD/tấn Mỹ.
Áp lực từ mức giảm mạnh của giá dầu thô thế giới và dầu cọ, cùng với diễn biến trái chiều với giá khô đậu khi đậu tương không có thay đổi nào đáng kể đã khiến giá dầu đậu giảm 1,26% và rơi khỏi mốc hỗ trợ quan trọng 55 cents.
Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi ghi nhận nhiều chuỗi ngày tăng mạnh. Mặc dù có hạ nhiệt về cuối năm nhưng vẫn ở mức cao trong nhiều năm và khiến người chăn nuôi gặp khó. Chiều ngược lại, giá heo hơi lại giảm, kết hợp với dịch tả heo châu Phi nên việc tái đàn càng gặp nhiều trở ngại hơn nữa.
Tuy nhiên, giá heo hơi thời gian gần đây có hồi phục trở lại do nhu cầu cận Tết nguyên đán tăng lên. Sáng nay, giá heo hơi tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg ở một số khu vực. Ở miền Bắc giá heo cao nhất ghi nhận khoảng 53.000 đồng/kg, ở miền Trung và miền Nam khoảng 51.000 đồng/kg.