Hai Bộ trưởng ký kết Bản ghi nhớ. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
MOU
mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký, từ năm
2017 đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị
trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các
loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình
để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.
Ngay
sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh đã thông báo mong muốn
mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 - 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm và
mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm
2017.
Về phía Bộ Công Thương, việc ký MOU lần này là tiếp tục hiện thực hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như những định hướng của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây, kết quả này thực sự là hành động thiết thực, nhanh chóng, hiệu quả và sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ nói chung và triển khai kịp thời của Bộ Công Thương nói riêng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đầu ra mới và tiềm năng.
Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao chuyến thăm của Ngài Bộ trưởng Bangladesh và hy vọng những ngày làm việc hiệu quả tại Việt Nam của Ngài sẽ giúp các doanh nghiệp hai nước hiểu thêm về nhau, từ đó góp phần xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bên cũng như thắt chặt tình cảm gắn bó giữa hai quốc gia Việt Nam và Bangladesh. MOU về thương mại gạo ở cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Bangladesh được ký lần đầu vào ngày 18/4/2011 tại Hà Nội và có thời hạn đến ngày 31/12/2013.
Sau đó, ngày 2/1/2014, hai bên đã ký lại để gia hạn MOU nói trên có hiệu lực tới ngày 31/12/2016. Theo đó, năm 2011 và năm 2012, phía Việt Nam đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn gạo sang Bangladesh để phục vụ nhu cầu trong nước cho phía Bạn. Trong những năm tiếp theo, Bangladesh đã tự túc và sản lượng lúa gạo đã đủ cung cấp cho tiêu thụ nội địa nên chưa đặt thêm vấn đề mua gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, Bangladesh liên tục phải đối mặt với nhiều thiên tai, mất mùa, dẫn tới việc thiếu gạo để cung cấp đủ cho người dân trong nước. Tiếp tục triển khai công tác phát triển thị trường nước ngoài, trong bối cảnh tình hình thị trường tiêu thụ đầu ra còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, trong đó tập trung đối với mặt hàng gạo.
Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm các cơ hội ký kết các thỏa thuận cấp Chính phủ hoặc cấp Bộ nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Bên cạnh những thị trường truyền thống, Bộ Công Thương còn chú trọng tập trung khai thác các thị trường mới, có nhiều tiềm năng, có dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ gạo cao, sức mua ổn định và lâu dài, cơ chế nhập khẩu gạo do nhà nước quản lý theo đầu mối để đặt vấn đề, đàm phán, ký kết MOU về thương mại gạo tạo khuôn khổ thuận lợi cho xuất khẩu gạo bền vững.
Với sự chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường, theo thông tin được biết, ngay khi tiếp cận và nắm được nhu cầu của phía Bangladesh, nhằm tranh thủ tận dụng được cơ hội mở thị trường xuất khẩu gạo, chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tuần lễ, Bộ Công Thương đã khẩn trương trao đổi với phía Bangladesh trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp để xác định cơ hội cụ thể, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lấy ý kiến tham gia về nội dung dự thảo và sau đó báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chính thức ký MOU này.
Cũng trong ngày 23/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Qamrul Islam nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề, biện pháp, cách thức phối hợp trong thời gian tới để tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại gạo.