Sôi động thị trường online
Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu, tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên thị trường truyền thống vắng bóng những quầy bán bánh lưu động, không còn không khí sôi động như những năm trước. Giữa những ngày giãn cách, người dân đa phần chọn mua hàng online. Chỉ cần một click chuột, bánh trung thu sẽ được chuyển đến tận nhà.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng đó, các công ty sản xuất bánh kẹo truyền thống lâu năm quen thuộc với người tiêu dùng như Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương… năm nay cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các trang mua sắm trực tuyến như: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… với đa dạng chủng loại, giá cả.
Mức giá bánh của các hãng truyền thống trung bình dao động từ 30.000 - 80.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/ chiếc. Còn đối với hộp, dao động từ 150.000 đến trên 1 triệu đồng/hộp. Những nguyên liệu làm bánh từ thiên nhiên như đậu xanh, khoai môn, hạt sen, mắc ca, long nhãn… vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trên các sàn thương mại điện tử, bánh Trung thu hầu hết đều được quảng cáo giảm giá từ 10 - 50%. Ngoài bánh Trung thu của các hãng trên, còn có các thương hiệu bánh trung thu truyền thống lâu đời của Hà Nội. Mùa Trung thu 2021, Bảo Phương đưa ra thị trường các loại bánh như bánh chay, bánh đậu xanh hạt dưa, thập cẩm cổ xưa… với giá bán từ 20.000 đồng đến 90.000 đồng/cái. Cùng với đó là bánh dẻo, bánh nướng gia truyền Đông Phương (Hải Phòng) cũng được rao bán… Ngoài ra rất nhiều gian hàng bán bánh tự làm, gắn mác “handmade”.
Bên cạnh bánh Trung thu trong nước thì cũng có một lượng bánh trung thu được giới thiệu nhập khẩu từ Đài Loan, Hồng Kông… giá cả các loại bánh nhập khẩu này cũng khá đa dạng từ vài nghìn đến hơn 1 triệu đồng/cái.
Xem xét kỹ về chất lượng và nguồn gốc
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), người tiêu dùng cần cẩn trọng, đặc biệt là cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi mua hàng online. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa phương và phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm tại huyện Tam Dương đang bày bán 128 chiếc bánh Trung thu có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên.
Đáng chú ý, ngày 25/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Thái Nguyên) kiểm tra xe vận chuyển hàng hóa phát hiện gần 2.500 gói bánh Trung thu, chả cay các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên có xuất xứ nước ngoài, trên bao bì ghi “Made in China”. Làm việc với đoàn kiểm tra, lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì liên quan. Người này khai nhận đã mua trôi nổi số hàng trên tại các chợ đầu mối ở Lạng Sơn đưa về Thái Nguyên tiêu thụ.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và vận chuyển tiêu thụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng trên thị trường, góp phần đảm bảo thị trường ổn định, người tiêu dùng mua sắm an toàn trong dịp Tết Trung thu 2021, Tổng cục đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm với bánh kẹo, nhất là bánh Trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng nên lựa chọn những loại bánh có xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất hợp vệ sinh, có ghi nơi sản xuất rõ ràng trên bao bì, kèm theo hướng dẫn sử dụng cũng như cách bảo quản; kiểm tra kỹ trên bao bì ngày, tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng bánh Trung thu.
Khi chọn mua bánh trung thu, người tiêu dùng nên chọn bánh ở các địa điểm bán uy tín, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm... Không nên mua sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh “tiền mất tật mang”, mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.