Hàng năm, mùa nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về tỉnh Đồng Tháp, các loài thủy sản cũng theo dòng nước tràn về cánh đồng để sinh sôi và phát triển. Đây là nguồn thủy sản quan trọng, đem lại thu nhập cho người dân vùng lũ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên này ngày càng ít đi, nguyên nhân là do người dân dùng đủ mọi phương tiện để đánh bắt thủy sản khi các loài cá vừa theo dòng nước lên đồng; trong đó, báo động tình trạng bắt cá đồng tận diệt cá con bằng phương tiện đánh bắt bằng “dớn”. Đây là loại dụng cụ đánh bắt cá mà ngành thủy sản đã cấm sử dụng.
Dớn được làm bằng lưới cước, mắt lưới nhỏ nhất là 7 ly, chiều cao từ 2-3 m, chiều dài của đường dớn từ 50-200 m tùy ý. Một cái dớn không chỉ có đường ven với chiều dài cho cá hướng đi theo chiều về "gọ" được bao quanh khoảng 4-10 m2 bằng lưới cước nơi cá vào không thoát ra được
Anh Nguyễn Văn Tám ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, làm một công dớn có chiều dài từ 50-100 m, chi phí từ 2-3 triệu đồng, trong 10 ngày đặt là thu hồi vốn. Hiện nay, trên cánh đồng xã Bình Thành, gần xã của anh Tám, trên diện tích gần 1.000 ha mà có tới hàng nghìn cái dớn đánh bắt cá.
Theo ngư dân nơi đây mỗi ngày thu hoạch vào buổi sáng với đường dớn dài 100 m thu về từ 2-4 kg cá các loại. Mỗi lần thu hoạch được nhiều loại tôm cá như cá lóc, rô, trê, lươn, rắn, ếch…, không bỏ sót con nào kể cả loại cá bé bằng que tăm. Nếu đã thu hoạch đưa lên bờ, các loại cá bé bằng que tăm đều chết, không kịp chờ lớn… Người đánh bắt chọn cá bé bỏ cho gà, vịt ăn hoặc thảy bỏ bừa bãi trên bờ kênh không hối tiếc - anh Tám chia sẻ.
Ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự, ông Trần Văn Tư, một nông dân kỳ cựu với hơn 20 năm chuyên đóng đáy cá ở ở Thường Thới Hậu A cho biết, ngoài đánh bắt bằng cách đóng đáy, người dân nơi đây còn đánh bắt cá linh bằng hệ thống dớn, loại đăng làm bằng lưới cước ni lông. Loại này không chỉ bắt cá linh và nhiều loại cá con khác mà tận diệt cá bé từ que tăm. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến nguồn cá đồng ngày càng khan hiếm.
Đi dọc theo cánh đồng xã lũ ở các huyện, thành phố đầu nguồn và hạ nguồn lũ như Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình…, đâu đâu cũng có phương tiện đánh bắt bằng dớn. Hàng chục ngàn cái dớn được đặt dọc, đặt ngang trên các cánh đồng để đánh bắt cá. Có nơi, 1 ha mặt nước có từ 2-3 cái dớn. Dớn nhỏ nhất với chiều dài 5 m và những cái to có chiều dải từ 100-300 m.
Mặc dù chính quyền địa phương khuyến cáo cấm đánh bắt bằng dớn nhưng do đây là nguồn thủy sản quan trọng, đem lại thu nhập trong mùa lũ của người dân nơi đây nên ngành chức năng chưa kiên quyết xử lý khiến hình thức này ngày càng phát triển. Tình trạng khai thác cá đồng bằng dớn tràn lan không chỉ vô tình làm cho cá bé, cá bằng que tăm tận diệt không hối tiếc mà còn là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên ở Đồng Tháp dần cạn kiệt trong những năm gần đây.