Tháng 7/2019, Trạm khuyến nông huyện U Minh Thượng đã triển khai mô hình nuôi cá trê vàng thương phẩm trên nền đất lúa ở 3 điểm ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận, mỗi hộ có diện tích nuôi 1 ha, với 50 kg/hộ, trọng lượng 150 con/kg.
Nông dân tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đầu tư hỗ trợ con giống, vật tư và thức ăn công nghiệp cho mỗi hộ nuôi trị giá gần 12 triệu đồng. Ngoài ra, bà con tham gia nuôi cá trê vàng thương phẩm còn được Trạm Khuyến nông huyện tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật để nuôi cá luân canh trên ruộng lúa thành công.
Theo ông Lê Minh Trí, ngụ ấp Minh Thượng, trước đây mỗi hộ nông dân sinh sống trong vùng đệm đều có 1 ha mặt nước thả nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, đa số người dân ở đây chỉ nuôi cá tự nhiên chứ không tập trung mua giống về thả nuôi. Dần sau này, khi nguồn lợi cá đồng bị suy giảm, người dân mua cá chép, cá mè, rô phi thả nuôi, nhưng hiệu quả không cao do giá thành bán ra thấp. Vì vậy, khi triển khai mô hình nuôi nhằm mục đích khôi phục lại nguồn lợi cá trê vàng nông dân rất phấn khởi.
Tuy nhiên, lúc đầu nhiều hộ nuôi cũng lo lắng, nếu kết quả nuôi không thành công thì nông dân sẽ trắng tay vì không có nguồn thu từ các loài cá khác nuôi hàng năm. Thế nhưng, khi triển khai nuôi mới cho kết quả ngoài mong đợi. Với mô hình nuôi cá trê vàng dễ nuôi, ít mầm bệnh, mau lớn. Qua 2 tháng thả nuôi, cá trê vàng có trọng lượng từ 6 - 7 con/kg, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Trí còn lãi gần 13 triệu đồng.
Cá trê vàng thả nuôi thích nghi với nguồn nước, tỷ lệ hao hụt thấp, cá không bị bệnh, phát triển tốt và tăng trọng nhanh. Qua 2 tháng nuôi dưỡng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật của ngành chuyên môn khuyến cáo, cá nuôi trong mô hình này ước đạt sản lượng trung bình mỗi hộ gần 550 kg và cho nông dân lợi nhuận bình quân gần 14 triệu đồng.
Qua kết quả bước đầu nuôi cho thấy, cá trê vàng thích nghi với điều kiện đất đai thổ nhưỡng ở địa phương, đặc biệt là có nhiều lợi thế so với các giống thủy sản khác về khả năng tăng trọng, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế.
Cá trê vàng tuy dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, nhưng để nuôi loại cá này thành công và đạt hiệu quả cao đòi hỏi bà con nông dân phải thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, từ khâu cải tạo ao ương, chọn con giống đạt tiêu chuẩn, giữ gìn tốt môi trường nước, đầu tư thức ăn hợp lý trong giai đoạn ương cá giống, chăm sóc và quản lý tốt cá trê vàng trong quá trình nuôi.
Từ những kết quả đạt được của mô hình nuôi cá trê vàng thương phẩm trên nền đất lúa ở huyện U Minh Thượng sẽ là cơ sở để địa phương nhân rộng và đẩy mạnh chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thời gian tới nhằm giúp bà con nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, đặc biệt góp phần khôi phục, bảo tồn, phát triển nguồn cá đồng trên vùng đất U Minh Thượng.
Ngoài thành công bước đầu nuôi cá trê vàng thương phẩm trên nền đất lúa, hiện nay huyện U Minh Thượng đang chỉ đạo việc nhân giống cá đồng bản địa như: sặc rằn, cá rô, lóc… để cung cấp cho bà con địa phương, nhất là người dân trong vùng đệm.
Ngoài ra, cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên hướng dẫn bà con địa phương kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho các loại cá đồng. Sau khi nguồn cá đồng dần khôi phục, huyện sẽ đăng ký thương hiệu và chỉ dẫn địa lý địa danh U Minh Thượng để bảo đảm đầu ra, bà con an tâm đầu tư thả nuôi. Quan trọng hơn, giúp nông dân tìm hướng đi thích hợp, phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương.