Một số báo của Đức vừa có tin, bài đánh giá cao thành tựu cũng như triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời ca ngợi vai trò tích cực của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).Báo Đức ca ngợi Chính phủ Việt Nam đã áp dụng thành công chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được nhiều thành quả đáng chú ý. |
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, báo "Düsseldorf Buổi tối" (Düsseldorfer Abendblatt) và cổng thông tin điện tử pressportal.de cho biết từ khi áp dụng chính sách “Đổi mới“ để mở cửa và hướng tới nền kinh tế thị trường, kinh tế Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng nhanh với tỷ lệ 7-8% mỗi năm. Chuỗi tăng trưởng ấn tượng này bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008/2009, song kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi. Trong ba năm qua, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng thành công chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được nhiều thành quả đáng chú ý như tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức tương đối cao và ổn định từ 5 - 6% năm, GDP năm 2013 đạt 176 tỷ USD, tương đương với thu nhập bình quân đầu người 1.960 USD. Đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2013 đạt 23 tỷ USD, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế. Tỷ lệ lạm phát dần ổn định, giảm từ trên 20% những năm 2010/2011 xuống còn 6% năm 2013. Trong khi đó, cán cân thương mại Việt Nam tiếp tục đạt thặng dư với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 132,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD.
Trên phương diện thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, bài báo nêu rõ để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, cũng như giảm phụ thuộc vào các đối tác truyền thống nhưng rủi ro, khó lường, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam đã thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế trên thế giới, như gia nhập WTO từ năm 2007. Việc gia nhập WTO được cho là một tín hiệu chính trị, khởi động cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên của các tổ chức, thể chế kinh tế quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA).
Cũng theo bài báo, Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong cộng đồng các nước ASEAN, khu vực có dân số 560 triệu người với GDP vào khoảng 800 tỷ USD. Việt Nam cùng các nước ASEAN khác đã nhất trí thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, thành lập một “Cộng đồng kinh tế ASEAN” với mục tiêu một thị trường chung năm 2015. Ngoài ra, Việt Nam hiện đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) với khả năng kết thúc dự kiến vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đàm phán với Mỹ và một số nước về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quá trình đàm phán đang diễn ra tích cực và nhiều khả năng sẽ kết thúc trong thời gian tới.
Trong khi đó, báo "Tiêu điểm" (der Focus), một trong những báo lớn nhất của Đức, cũng có bài viết đánh giá những triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014. Theo bài viết, các chỉ số kinh tế 9 tháng đầu năm cho thấy triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm tới. Đến tháng 9/2014, GDP tăng 5,62% so với cùng kỳ năm ngoài, tăng trưởng GDP cho cả năm 2014 dự báo là 5,8%. Tỷ lệ lạm phát 9 tháng đầu năm chỉ ở mức 2,25%, thấp nhất trong 12 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2014 đạt 109,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân thương mại dự kiến tiếp tục thặng dư trong năm 2014 với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 148 tỷ USD (tăng 12,1%) và kim ngạch nhập khẩu đạt 146,5 tỷ USD (tăng 11%). Trong khi đó, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu từng bước phục hồi. Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong số năm thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới thời gian qua. Giao dịch bất động sản cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.
Nhờ chính sách kinh tế linh hoạt cũng như ổn định chính trị, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về mức độ hấp dẫn đầu tư trong khối ASEAN. Trong những năm qua, FDI và vốn viện trợ phát triển (ODA) vẫn tiếp tục tăng đều. Bài viết cũng cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như nợ công tăng mạnh trong những năm qua và vấn đề nợ xấu của hệ thống tài chính - ngân hàng.
TTXVN/Tin Tức