Theo bài viết đăng trên Bangkok Post số ra ngày 23/12, GDP của Việt Nam được ghi nhận duy trì đà tăng trưởng tích cực với tốc độ bình quân hằng năm trên 6% kể từ năm 2000 và năm 2018 đạt mức hơn 7%, mức cao nhất trong 10 năm. Trong năm 2019, Việt Nam được xếp vị trí thứ 69 về chỉ số môi trường kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã cấp phép đầu tư cho khoảng 1.720 dự án. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để biến đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty và nhà đầu tư.
Bài viết cho rằng một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư là mức thuế ưu đãi cho doanh nghiệp lớn, cụ thể là 0% trong 5 năm đầu tiên và 5% cho 10 năm tiếp theo và 10% cho 2 năm sau đó, nhờ vậy đã thu hút các công ty công nghệ như Nokia, Samsung và Olympus, cũng như các nhà sản xuất giày như Nike và Adidas... mở cơ sở sản xuất ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam là lao động giá rẻ. Trong bối cảnh mức sống chung tăng lên, lao động giá rẻ không còn nhiều, các nhà sản xuất đã tìm các điểm đến có chi phí lao động rẻ hơn, như Việt Nam.
Đáng chú ý, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Australia, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Scott Morrison tháng 8/2019. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Australia thăm chính thức Việt Nam kể từ năm 1994, bằng chứng cho thấy mối quan hệ song phương ngày càng phát triển.
Về đầu tư, bên cạnh một số doanh nghiệp Australia đã có mặt tại Việt Nam như ngân hàng ANZ, hãng đóng tàu Austal, công ty logistics Linfox, trường RMIT International..., nhiều nhà đầu tư khác của Australia hiện khá hào hứng thâm nhập thị trường Việt Nam.