Bay thẳng Hoa Kỳ là mục tiêu của hàng không Việt Nam

10 năm trở lại đây, thị trường hàng không Việt Nam liên tục tăng trưởng mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm, đảm bảo an toàn bay tuyệt đối. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các hàng hàng không nội địa vẫn là mục tiêu mở liên tục các đường bay thẳng đi quốc tế, nhất là bay thẳng Hoa Kỳ.

Lãnh đạo Bộ GTVT, các chuyên gia hàng không trong nước và quốc tế đã thảo luận, tìm hướng tháo gỡ thách thức, đón cơ hội cho hàng không trong nước phát triển bền vững và sớm hiện thực hóa mục tiêu bay thẳng Hoa Kỳ tại Tọa đàm "Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức" ở Hà Nội ngày 11/12.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong hơn ba mươi năm đổi mới, ngành Hàng không Việt Nam đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ, mở rộng giao thương quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong con mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để phát triển hàng không Việt Nam nhanh, nhưng duy trì sự bền vững trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất, ngành Hàng không vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh mở cửa bầu trời, nhất là mục tiêu mở các đường bay thẳng đi quốc tế, trong đó thách thức lớn nhất là bay thẳng Hoa Kỳ.

Chú thích ảnh
Các hãng hàng không trong nước đều đang tích cực triển khai quy trình hiện thực hóa đường bay thẳng Hoa Kỳ.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định, về thị trường, từ 2008 - 2019, hàng không Việt Nam tăng trưởng 17,1%/năm về hành khách và 13,8% về hàng hoá. Tăng trưởng hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP, tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5 - 2%. Ngược lại, nếu GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng. Hiện, cả nước có 22 cảng hàng không, các chặng bay ngắn, dài nội địa phủ kín các vùng miền, kéo theo lượng hành khách không ngừng gia tăng, cho thấy nhu cầu đi lại của người dân cực lớn.

Minh chứng là Việt Nam có gần 100 triệu dân, máy bay có khoảng 200 chiếc, tức 1 triệu dân có 2 máy bay, nhưng so sánh với Malaysia, Thái Lan... thì vẫn còn khiêm tốn. Đến năm 2020, ngoài 5 hãng hàng không nội địa, có 70 hãng hàng không nước ngoài tham gia khai thác thị trường Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thường lệ 1 đường bay quốc tế và 50 đường bay nội địa.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trong quá trình phát triển thị trường, đến nay, ngành Hàng không còn nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý Nhà nước và với các doanh nghiệp hàng không. Làm thế nào để phát triển hàng không Việt Nam bền vững, được hàng không quốc tế đón nhận là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước luôn hướng tới. Thông qua tọa đàm, Bộ GTVT và các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp hàng không có thể nắm bắt thông tin, xu hướng của hàng không thế giới; đồng thời, lắng nghe, tiếp nhân ý kiến từ các doanh nghiệp, cũng như kinh nghiệm từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, để mở rộng cơ hội phát triển vận tải hàng không và cơ hội bay thẳng đến Mỹ.

"Ngoài phát triển các hãng hàng không trong nước với chính sách mở cửa, Việt Nam chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ hàng không đi kèm để nâng cao chất lượng. Các hãng hàng không nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam khai thác cũng tạo sức cạnh tranh lớn. Đây là cơ hội lớn để phát triển hàng không. Vấn đề là cần có môi trường quản lý để phát triển nhanh, đồng bộ, nhưng phải đảm bảo hiệu quả bền vững", ông Lê Anh Tuấn cho hay.

Ở góc độ chuyên gia, Giáo sư Nawai Taneja, Chuyên gia hàng đầu và được đánh giá là "bộ não" ngành Hàng không thế giới cho biết: "Để phát triển thị trường hàng không bền vững, Chính phủ Việt Nam phải cân bằng giữa nhu cầu của người dân, đại chúng, nền kinh tế và nhu cầu của các đơn vị khai thác, cơ sở hạ tầng. Việc cân bằng sẽ tạo lợi ích. Vai trò của Chính phủ là vô cùng thiết yếu. Chính sách của Chính phủ nên là những chính sách có khả năng khai sáng".

Về đường bay thẳng Hoa Kỳ, theo Giáo sư Nawai Taneja, không phải là vấn đề nên hay không, mà nào khi nào mở và phải sớm triển khai. Đường bay này phải cân nhắc trên cơ sở tìm hiểu thị trường, tiếp thị, tần suất bay. Bay đến Hoa Kỳ là đường bay dài, đòi hỏi loại máy bay đặc biệt, với chi phí lớn, vì không có điểm dừng quá cảnh. Bên cạnh đó, ngoài cung cấp dịch vụ, hàng không Việt Nam cũng cần phải xây dựng thương hiệu mạnh, toàn cầu, khẳng định với hàng không quốc tế. Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ hiện đã phê chuẩn năng lực giám sát an toàn mức 1 đối với Cục Hàng không Việt Nam. Đây là tiêu chí cho ngành Hàng không thúc đẩy mục tiêu.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không năm 2019 dự báo tiếp tục được duy trì ở mức hai con số, với mức độ tăng trưởng 11,8% về hành khách và 3% về hàng hóa so với năm 2018. Tổng vận chuyển hành khách đạt 78,3 triệu khách và vận chuyển hàng hóa đạt hơn 1,25 triệu tấn. Dự báo, năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu khách, tăng 10,8% so với năm 2019; đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 11% so với năm 2019.
Tiến Hiếu/Báo Tin tức
Tháo gỡ 'nút thắt' hàng không để tăng trưởng khách quốc tế
Tháo gỡ 'nút thắt' hàng không để tăng trưởng khách quốc tế

Việc mở rộng các đường bay, tần suất chuyến bay, hạ tầng hàng không… đã góp phần tích cực vào tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam và kích cầu khách du lịch nội địa. Tuy vậy, hàng không cũng còn đó những “nút thắt” cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN