Vẫn nhiều băn khoăn
Mới đây, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã chính thức rút lại phương án người dân được phép lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc thang và điện 1 giá.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Công Thương đã đề xuất rút phương án điện một giá và sẽ tiếp tục lấy ý kiến về phương án 5 bậc thang để hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng vào cuối năm nay.
Với phương án 5 bậc thang này, sẽ ghép bậc 1 và bậc 2 hiện tại thành bậc 1 mới (từ 0-100kWh), giá bậc 1 mới được giữ bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên mức 101-200 kWh là bậc 2; bậc 3 từ 201-400 kWh và bậc 4 là 401-700 kWh và bậc 5 - bậc cao nhất sẽ lên mức 701 kWh (so với bậc thang cao nhất trước đây là bậc 6 ở mức 401 kWh trở lên).
Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, việc áp dụng giá 5 bậc có cải tiến hơn 6 bậc đang áp dụng nhưng chưa chứng minh được sự cốt lõi là đảm bảo giá điện bình quân không đổi, chưa kể, việc tính giá điện nhiều bậc chứa đựng nhiều yếu tố khó kiểm soát, lập lờ, thiếu minh bạch.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, việc phân chia theo bậc thang để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện là cần thiết trong điều kiện người dân ngày càng có thu nhập cao hơn, đồng thời nhu cầu sử dụng điện hơn trong khi sản xuất điện không tăng trưởng kịp. Tuy nhiên, với mức quy định trong biểu giá điện 5 bậc mà Bộ Công Thương đưa ra, chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt được quy định (1.864,44 đồng/kWh). Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, thậm chí bậc thang thứ 4- 5 rất cao, lên đến hơn 160% giá điện bình quân.
“Việc tính giá điện bậc thang như vậy không giải quyết được vấn đề về tính công khai, minh bạch trong việc đo đếm, ghi chỉ số công tơ. Bộ Công Thương cần giải thích tại sao lại đưa ra các con số này. Điều này làm cho giá bán lẻ điện bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định. Để chính xác, rất cần số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình tiêu thụ điện ở từng mức sử dụng trong thời gian vừa qua”, ông Thịnh phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, Bộ Công Thương cần công khai giá bình quân của từng biểu giá và tổng biểu giá, giá bình quân so với giá điện sinh hoạt như thế nào… để người dân có sự so sánh. “Khi đã được thông qua, chấp nhận giá điện bậc thang thì người dân phải chấp nhận việc “nhảy tiền” khi dùng nhiều. Nếu làm biểu giá điện hợp lý thì khi “nhảy bậc”, người dân sẽ không bị sốc”, ông Thỏa nói.
Đề xuất phương án 3 bậc thang
Ông Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Năng lượng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, khoảng cách tăng giá giữa các bậc trong phương án biểu giá 5 bậc thang hiện quá lớn. Điều này khiến các hộ dùng trên 200 kWh phải trả giá cao, cao hơn nhiều giá điện bình quân. Và như vậy tiền điện nhiều khả năng vẫn "nhảy vọt" khi giao mùa, nắng nóng.
Ông đề nghị, nhà điều hành cần nghiên cứu để mức tăng giá, giãn cách giữa các bậc ở phương án này "tăng vừa phải hơn", để vừa có lợi cho người tiêu dùng, vừa đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước.
TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật môi trường (Bộ Công Thương) đề xuất phương án lũy tiến theo 3 bậc là: bậc thấp hơn giá điện bình quân (từ 0 – 100 kWh); bậc bằng giá điện bình quân (từ 100 – 400 kWh) và bậc cao hơn giá điện bình quân (từ 401 kWh trở lên).
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh: "Cần rút 6 bậc thang hiện nay xuống còn 3, 4 hoặc 5 bậc, tốt nhất là 3 bậc; ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các nhóm khách hàng dùng điện. Đồng thời, giải thích rõ ràng về phương pháp sắp xếp bậc, cơ sở và các căn cứ sắp xếp khoảng các giữa các bậc".
Về lâu dài, ông Thỏa đề xuất, cần cải tiến tất cả biểu giá theo hướng bán theo cấp điện áp giờ bình thường, cao điểm, thấp điểm chứ không nên sửa kiểu chắp vá. Mức giá trung bình của biểu giá điện phải phục vụ số đông hộ dùng điện và cần công khai.
Cùng với đó, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng cần sớm sửa Luật điện lực, chính sách giá điện làm cơ sở xây dựng giá theo thị trường cạnh tranh. Thực hiện chính sách xã hội ngoài giá, chứ không nên thực hiện trong giá vì có thể làm méo mó, không phản ánh được quy luật giá trị và cung cầu.
Trước những ý kiến của các chuyên gia, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Cục sẽ tiếp tục xin ý kiến về phương án cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân. Thời gian tới, Cục Điều tiết điện lực sẽ phối hợp các đơn vị trong Bộ Công Thương thực hiện thẩm định theo quy định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định theo đúng trình tự thủ tục xây dựng các văn bản pháp luật.