Đó là nội dung trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương cần làm tốt các quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, giao thông, không để tình trạng ùn tắc giao thông, cản trở phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lắp đặt thiết bị cho nhà máy giấy của Đức đầu tư tại khu VSIP 2, Bình Dương. Ảnh: Văn Khánh/TTXVN. |
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương cần phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm xuất khẩu, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động phổ thông.
Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường; các ngành, sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, nhất là dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại điện tử, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bất động sản, đào tạo nhân lực; phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết theo chuỗi sản xuất nông sản an toàn.
Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, Bình Dương phải trở thành một trung tâm khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp thành công của vùng Đông Nam bộ và cả nước để đến năm 2020 đạt 50 nghìn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, lành mạnh; quan tâm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp, người dân đang sống và làm việc tại tỉnh được hưởng những thành tựu của sự phát triển.
Quan tâm phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội. Tỉnh phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.