Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực

Tỉnh Bình Phước có tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm chủ lực gồm có cây điều, cây cao su, cây tiêu và cây cà phê với hơn 419.000 ha, trong đó cây cao su chiếm 26%, cây điều chiếm 50,6% diện tích cả nước. Do vậy, Bình Phước triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực.

Chú thích ảnh
Vườn tiêu gia đình bà Nguyễn Thị Liên tại ấp 5 (xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp) phát triển xanh tốt và cho năng suất ổn định mỗi năm nhờ chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, tỉnh phát triển cây công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây công nghiệp; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm cây công nghiệp...

Đến năm 2030, mục tiêu cụ thể là duy trì và phát triển diện tích 4 loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh theo quy hoạch đạt trên 356.000 ha, sản lượng 659.780 tấn/năm.

Đối với cây điều có diện tích 1.000 ha, tập trung lớn nhất phát triển ở các huyện Bù Đăng, sau đó là huyện Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Diện tích còn lại được trồng tại các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Chơn Thành… Với các giải pháp hằng năm, tỉnh tái canh trồng mới đối với diện tích điều già cỗi; áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh chiếm 40 - 50%; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất điều… Đến năm 2030, 100% cơ sở chế biến nhân điều tự động hóa khâu tách vỏ cứng và bóc vỏ lụa nhân điều; trên 95% cơ sở chế biến hạt điều được cấp Chứng nhận quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP...

Với diện tích 200.000 ha cây cao su, tỉnh tập trung phát triển ở các huyện Hớn Quản, Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Chơn Thành, Bù Đốp. Đến năm 2030, 100% diện tích cao su trồng mới được sử dụng các giống đúng tiêu chuẩn; cao su được trồng theo hướng đại điền, diện tích cao su thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt trên 70%, diện tích cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững khoảng 50 - 70 nghìn ha; 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đối với cây hồ tiêu diện tích 10.000 ha, sản xuất tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bình Long, Phú Riềng. Tỉnh áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, giảm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng. Đến năm 2030, có trên 30% diện tích hồ tiêu được trồng theo quy trình GAP và tương đương, diện tích hồ tiêu được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 20%; xây dựng hệ thống vườn giống hồ tiêu đầu dòng, ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh để cung cấp giống cho diện tích hồ tiêu trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn trên 40-50%. Tỷ lệ chế biến sâu đạt khoảng 30% sản lượng (tiêu trắng, tiêu xay và các sản phẩm tinh chế khác); tỷ lệ tiêu đen 70%, trong đó tiêu nghiền bột 20%; tỷ lệ tiêu trắng 30%, trong đó tiêu nghiền bột trên 25%.

Cây cà phê với diện tích 8.000 ha tập trung sản xuất ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng. Tỉnh phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan, những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Đến năm 2030, 80 - 90% diện tích cà phê trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm (RA, 4C) khoảng 20-30%; trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, các địa phương xác định quy mô vùng sản xuất cây công nghiệp phù hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch của địa phương. Tỉnh ưu tiên chính sách của địa phương để thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây công nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã, hỗ trợ mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo vùng nguyên liệu có chất lượng...

Cũng theo bà Trần Tuyết Minh, tỉnh thực hiện các giải pháp phát triển các sản phẩm phải gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh và giá trị gia tăng; chế biến sản phẩm đi vào chiều sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra thương hiệu đặc trưng riêng cho từng sản phẩm, trong đó có các sản phẩm đặc sản; đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Định hướng chế biến sản phẩm thủ công nhỏ gắn với làng nghề, sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Ở góc độ ngành, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, hộ gia đình và trang trại cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác để hình thành vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm cây công nghiệp.

Về khoa học và công nghệ, tỉnh tập trung tạo chuyển biến mạnh trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất; áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch trong trồng trọt có hiệu quả đã được khẳng định; ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Cùng đó, Bình Phước còn thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; từng bước chuyển đổi số trong sản xuất cây công nghiệp, kết nối chế biến và xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm cây công nghiệp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn, kết nối giữa người sản xuất, vùng sản xuất với thương mại và người tiêu thụ.

Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai tốt các chính sách khuyến khích hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ chuyển đổi số, quản lý số trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến các cây công nghiệp…

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Duy trì ổn định trên 200.000 ha cây công nghiệp chủ lực
Duy trì ổn định trên 200.000 ha cây công nghiệp chủ lực

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông định hướng duy trì ổn định diện tích các loại cây công nghiệp chủ lực với diện tích khoảng 203.000 ha. Hiện, nhiều loại nông sản chủ lực của Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang có giá khá cao và nông dân rất quan tâm tới canh tác bền vững, gia tăng giá trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN