Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã tác động mạnh lên ngành chăn nuôi của tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy mô chăn nuôi lợn; trong đó đối với các trang trại chăn nuôi trên quy mô lớn đang kiểm soát gắt gao về tình hình dịch bệnh nhưng đang đứng trước thách thức về rủi ro cực lớn.
Tính đến nay đã có hàng chục hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ bị dịch tả lợn châu Phi “tấn công” gây thiệt hại nặng nề, hơn 100 tấn thịt lợn đã buộc tiêu hủy; đồng thời đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế nhiều hộ gia đình khác do không thể tái đàn.
Về các mô hình chăn nuôi tập trung, các ngành chức năng tỉnh Bình Phước cũng đã đưa ra cảnh báo đối với các trang trại chăn nuôi lớn cần nghiêm ngặt phòng ngừa, tránh dịch tả lợn xâm nhập vào khu trang trại chăn nuôi trong mô hình khép kín. Khi đó việc phòng chống dịch sẽ gặp khó khăn hơn.
Theo ghi nhận tính đến ngày 25/6, trên địa bàn tỉnh đã có 25 phường, xã của 6 huyện, thị, thành phố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa ghi nhận các trang trại chăn nuôi tập trung để xảy ra dịch bệnh, tất cả các trang trại vẫn đang kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh.
Hiện nay, tỉnh có gần 550.000 con lợn chăn nuôi trong mô hình trang trại tập trung, chiếm hơn 81% tổng đàn lợn trong tỉnh. Tỉnh có 251 trang trại chăn nuôi lợn; trong đó có 119 trang trại chăn nuôi gia công cho các tập đoàn lớn; 105 trang trại cho các công ty thuê nuôi lợn và 27 trang trại do tư nhân đầu tư và tự nuôi.
Về chuồng trại có 107 trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín và 144 trang trại chăn nuôi theo mô hình chuồng hở. Trong 251 trang trại đang nuôi lợn có 8 trang trại giống cụ kỵ; 78 trang trại bố mẹ và 156 trang trại nuôi lợn thịt. Trong khi đó, hơn 10.000 hộ dân chăn nuôi lợn với trên 123.000 con lợn bố trí khắp các huyện, thị trong tỉnh.
Quy hoạch đề mục tiêu đến năm 2020 Bình Phước nâng tổng đàn lợn đạt 800.000 con; trong đó phải ưu tiên đáp ứng cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao thực hiện theo chuỗi khép kín. Duy trì đàn trâu, bò đạt 45.000 con, đàn gia cầm đạt 9 triệu con. Chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80% cơ sở chăn nuôi.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, các cơ sở chăn nuôi tập trung phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vệ sinh thú y, cách biệt tối thiểu 100 m với đường giao thông chính, sông, suối; 500m với các cụm dân cư, đường biên hàng lang bảo vệ nguồn nước theo quy định ở các hồ thủy lợi, thủy điện và cách tối thiểu 1 km với các khu dân cư tập trung, khu kinh tế, du lich sinh thái, di tích lịch sử, trường học, bệnh viện…
Tỉnh phấn đấu sau năm 2020 phải nâng tỷ lệ chăn nuôi tập trung an toàn đạt 98% tổng đàn, 75% trang trại chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao, 100% trang trại đảm bảo an toàn không phát sinh dịch bệnh và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.