Sự nỗ lực của lực lượng biên phòng và các cơ quan chức năng trong kiểm soát, tuyên truyền pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Bình Thuận đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km với ngư trường rộng 52.000 km2, là một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước nên có lợi thế lớn phát triển nghề khai thác hải sản. Theo thống kê, sản lượng khai thác thủy hải sản ở Bình Thuận hàng năm đạt từ 200 - 220 nghìn tấn. Nếu như thời điểm những năm 2018, Bình Thuận từng là “điểm nóng” về tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thì đến nay tình trạng này từng bước được ngăn chặn triệt để.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, nhờ đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, trong 8 tháng năm 2021, Bình Thuận không có tàu cá vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài bắt giữ. Như vậy, từ tháng 7/2019 cho đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản, đồng thời, thể hiện được những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở ở Bình Thuận trong việc chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU của EC.
Để thay đổi từ nhận thức của ngư dân về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC được triển khai đồng bộ, quyết liệt, tạo chuyển biển tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ tháng 9/2018 đến nay, các đơn vị đã tổ chức 84 lớp tuyên truyền/4.200 lượt ngư dân tham dự, cấp phát 19.752 tờ rơi các loại… Từ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân được nâng lên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng ngư dân về các quy định về chống khai thác IUU, chính quyền các địa phương vùng biển phối hợp với lực lượng chức năng triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng thời, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào theo dõi thường xuyên.
Tại các cảng cá lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như: Phan Thiết, Phú Quý, La Gi… các quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản và chống khai thác IUU được tuyên truyền hằng ngày trên hệ thống loa phát thanh và thông qua việc phát tờ rơi đến tận tay các chủ tàu, thuyền trưởng và lao động biển tại cảng. Nhờ đó, ngư dân đã có nhiều chuyển biến trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU, nhất là việc thông báo việc xuất bến, vào bến và nộp nhật ký khai thác tại các cảng cá.
Theo Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết, trong 6 tháng năm 2021, thống kê có hơn 1.120 lượt tàu cá vào cảng Phan Thiết để bốc dỡ thủy sản với hơn 7.100 tấn hải sản. Tại đây các lực lượng đã thu 992 sổ nhật ký khai thác (đạt tỷ lệ 88%) và cấp 46 xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho 981 tấn hải sản các loại.
Một trong những giải pháp quan trọng tỉnh Bình Thuận đang triển khai quyết liệt để kiểm soát tàu cá chấp hành các quy định về chống khai thác IUU là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 1.808 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS (đạt tỷ lệ 93,97%); trong đó, nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên lắp đặt đạt tỷ lệ 100%.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, thông qua hệ thống giám sát tàu cá bằng thiết bị VMS, đã phát hiện nhiều tàu cá bị mất kết nối thiết bị VMS trên biển, tàu cá vượt ranh giới trên biển. Trong 6 tháng năm 2021, đã phát hiện 72 trường hợp tàu cá của tỉnh mất kết nối khi hoạt động trên biển; nhắc nhở, gọi quay trở về 9 trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển.
Chi cục Thủy sản đã gởi văn bản thông báo và chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư phối hợp với Đồn Biên Phòng, chính quyền địa phương xác minh, làm việc với chủ tàu cá để nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết thực hiện mở thiết bị VMS 24/24 theo quy định. Nhờ đó, việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam.
Hiện nay, Bình Thuận còn hơn 100 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân là do một số tàu cá đang nằm bờ chờ bán, hoặc đang làm thủ tục sang nhượng, tàu hư hỏng... Để nhanh chóng hoàn thành tiến độ lắp đặt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, thống kê từng đối tượng, từng trường hợp cụ thể để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu khẩn trương lắp đặt thiết bị VMS theo quy định; kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, dù tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bước đầu được ngăn chặn, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đáng chú ý là nhóm tàu cá khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh; nhóm tàu cá hoạt động trên khu vực giáp ranh với các nước nhưng mất kết nối với trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá. Các hành vi vi phạm khai thác theo Luật Thủy sản 2017 trên địa bàn tỉnh còn xảy ra, nhất là vi phạm quy định về nghề cấm khai thác; vùng hoạt động; giấy phép khai thác…
Trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục bám sát khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của EC để triển khai các giải pháp để chống khai thác IUU như: tăng cường quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản, nhất là đối với tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá trong tỉnh khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thi hành Luật Thủy sản 2017 và thực hiện nghiêm túc hoạt động chống khai thác IUU tại cảng cá; đồng thời, thực hiện các biện pháp chế tài mạnh mẽ theo quy định tại Nghị định số 42/CP của Chính phủ, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU để nâng cao tính răn đe, ý thức chấp hành pháp luật.