Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bình Thuận đạt được trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là những giải pháp quyết liệt trong việc chống khai thác IUU, Bình Thuận không còn xảy ra tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng thủy sản như cảng cá, khu neo đậu và cơ sở hậu cần dịch vụ... được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng hoạt động nghề cá của địa phương.
Bình Thuận là một trong những địa phương có nghề cá phát triển mạnh của cả nước. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận cần tập trung vào quản lý đội tàu; tiếp tục rà soát những tàu chưa gắn thiết bị giám sát hành trình và những tàu có nguy cơ cao khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài để đẩy mạnh tuyên truyền và phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục củng cố và khắc phục những hạn chế về các nội dung như hành trình tàu cá, nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc... theo khuyến nghị của EC. Đồng thời, Bình Thuận tiếp tục triển khai hiệu quả Luật thủy sản để phát triển bền vững nghề cá.
Trong những tháng cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh Bình Thuận cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm và phòng chống dịch bênh thủy sản. Đồng thời, địa phương tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Từ năm 2017 đến nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, nhất là ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, chính quyền các địa phương vùng biển phối hợp với lực lượng chức năng triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Vì vậy, từ tháng 7/2019 đến nay, Bình Thuận không xảy ra vụ việc tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Tính đến ngày 31/8, tỉnh có hơn 88% tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, nhóm tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên có 35/35 tàu cá lắp đặt. Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá được đầu tư trang bị cơ bản; 3 trạm dữ liệu tại 3 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá được hình thành và bước đầu vận hành có hiệu quả trong việc quản lý tàu cá.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ tập trung chỉ đạo các biện pháp quản lý, kiểm soát nên hoạt động giám sát sản lượng, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác từng bước khắc phục hạn chế, thiếu sót, đạt một số kết quả bước đầu.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý các cảng cá đã thu được 1.0 nhật ký khai thác trên tổng số 3.945 lượt tàu cập cảng.
Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết cấp 47 giấy xác nhận nguồn nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho 900 tấn hải sản. Chi cục Thủy sản đã kiểm tra thông tin, thẩm định hồ sơ và thực hiện cấp 76 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho 3 doanh nghiệp trong tỉnh với 1.800 tấn hải sản các loại.
Về hoạt động chăn nuôi, nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2020, tình hình chăn nuôi của tỉnh tương đối ổn định và có xu hướng phát triển. Đàn trâu, bò phát triển ổn định so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn đã bước vào trạng thái phục hồi.
Nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn tiếp tục tăng quy mô tổng đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển khá, môi trường nuôi của các cơ sở được tăng cường vệ sinh phòng dịch...