Bịt “lỗ hổng” trong nghiệm thu công trình

Vụ sập cầu treo bản Chu Va 6 (Tam Đường, Lai Châu) là hồi chuông báo động tới các cơ quan chức năng trong việc quản lý, đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống cầu. Phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam Nguyễn Văn Nhân (ảnh) về vấn đề này.

 

´Ông nhận định như thế nào về thực trạng xuống cấp của hệ thống cầu trên địa bàn cả nước?


Hệ thống quốc lộ huyết mạch của cả nước hiện có hàng trăm cầu yếu cần phải nâng cấp, thay thế để đảm bảo an toàn. Tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, mỗi địa phương có tới hàng trăm cầu giao thông nông thôn, trong đó nhiều cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm phải thay thế. Tuy số lượng cầu cần thay thế nhiều, nhưng nguồn vốn huy động xây dựng lại rất hạn hẹp. Do đó, phải ưu tiên đầu tư theo hướng cầu nào yếu nhất thì thay, cầu nào vẫn khai thác được thì vẫn phải tiếp tục duy trì công năng sử dụng, nhưng phải hạn chế mức thấp nhất về tải trọng cầu, nhằm không để cầu sập trong bất cứ trường hợp nào.

 

´Nhiều sự cố đáng tiếc gần đây đã xảy ra đối với những cầu xây kiên cố, thậm chí vừa mới đưa vào sử dụng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Hiện nay, từ khâu khảo sát, nghiên cứu, thiết kế xây dựng, tư vấn giám sát, thi công đến việc phân cấp, phân kỳ đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, nhà thầu... của từng dự án, ngành giao thông vận tải đều có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định trình tự, thủ tục, cơ chế, chính sách cụ thể. Nhưng điều đáng nói ở đây là trách nhiệm của các địa phương, các chủ đầu tư về thực hiện các quy trình, quy định đề ra có đầy đủ hay không. Các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan khi có sai phạm xảy ra. Thực tế, tại nhiều dự án, nhất là tại các địa phương, nhiều chủ đầu tư nghiệm thu dự án thiếu trách nhiệm, không đúng quy trình, nhất là khâu tư vấn, thi công, giám sát. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thi công đúng thiết kế hay bớt xén vật liệu, thi công ẩu lấy tiến độ... Càng cầu nhỏ thì càng phải nghiệm thu đúng quy trình thì mới đảm bảo an toàn. Nếu sự cố xảy ra xuất phát từ “lỗ hổng” khi nghiệm thu công trình, thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Thực tế này cần phải sớm được siết chặt.

 

´Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để đảm bảo an toàn công trình cầu đường?


Việc giám sát, nghiệm thu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn khi công trình đưa vào khai thác. Nếu các quy trình tư vấn, giám sát, nghiệm thu được thực hiện chặt chẽ theo tiêu chuẩn, theo chứng chỉ phòng thí nghiệm thì khó xảy ra các sự cố. (Chứng chỉ phòng thí nghiệm là do các đơn vị nghiệm thu khoan đường để kiểm tra khi thi công). Tuy nhiên, hiện không ít dự án có tình trạng nhà thầu thi công không đủ năng lực thi công, dẫn đến chất lượng công trình không được đảm bảo. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã công bố công khai bảng xếp hạng các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát để các chủ đầu tư lựa chọn.

 

´Theo ông, đối với các công trình để xảy ra sự cố sau khi nghiệm thu thì trách nhiệm các chủ thể liên quan cần được xử lý như thế nào?


Nhìn lại sự cố sập cầu treo Chu Va 6 (Tam Đường, Lai Châu), rõ ràng, khâu thi công, nghiệm thu cầu có vấn đề. Bộ GTVT phải rất thận trọng trong việc điều tra nguyên nhân. Qua vụ việc này, Bộ GTVT phải thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo, nghiên cứu ban hành quy chế quản lý, khai thác, bảo trì cầu treo trong tháng 4/2014. Cầu treo Chu Va 6 không phải cầu cũ, xuống cấp, vì mới sử dụng hơn 1 năm, do đó, dù là nguyên nhân gì thì chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm khắc phục, thậm chí phải bị xử lý hình sự nếu sai phạm nghiêm trọng.


´Thực trạng biển báo hiệu cầu đường không có chỉ dẫn chi tiết, hỏng hóc không được thay thế kịp thời, khiến người sử dụng không tuân thủ tải trọng, nhất là đối với hệ thống cầu treo, cũng là nguyên nhân gây ra những sự cố đáng tiếc. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?


Đối với quốc lộ thì không vấn đề gì, vì các công trình đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa được gắn hệ thống biển báo hiệu, cảnh báo có bài bản. Còn đối với giao thông nông thôn, trong đó có cầu treo thì cần phải đặc biệt quan tâm. Cầu treo về mặt kỹ thuật có thể cho phép vượt tải trọng từ 3 - 4 lần. Tuy nhiên, việc cảnh báo cũng cần chi tiết, dễ hiểu, dễ nhận biết để mọi người đều hiểu được và chấp hành đúng quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị thi công phải tuân thủ tiêu chuẩn quy định về thiết kế, kỹ thuật, nguyên vật liệu...


Xin cảm ơn ông!


Tiến Hiếu (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN