Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và các địa phương khác hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu của chủ phương tiện.
Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều động nhân sự hỗ trợ để mở lại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình. Đây là trung tâm đăng kiểm duy nhất trên địa bàn. Do thiếu nhân sự, từ ngày 9/1/2023 trung tâm này phải tạm dừng hoạt động kiểm định xe cơ giới. Trung tâm có 10 nhân sự, gồm cả lãnh đạo đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố về tội “nhận hối lộ”.
Trước sự việc, Sở Giao thông vận tải Hòa Bình không có nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn bù đắp số nhân sự đã bị khởi tố để tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm đăng kiểm 28-01S.
Dự kiến từ tháng 1 - 2/2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 3.000 xe tới hạn kiểm định. UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét, chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu điều động, biệt phái nhân sự bổ sung để mở lại hoạt động 1 dây chuyền kiểm định của Trung tâm đăng kiểm 28-01S. Cụ thể, trung tâm này cần 4 đăng kiểm viên; trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên bậc cao.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sẵn sàng điều động các đăng kiểm viên đến Hòa Bình hỗ trợ công tác chuyên môn.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 tổ chức chiều tối 2/2 vừa qua, trả lời câu hỏi về kết quả điều tra tại các trung tâm đăng kiểm hiện nay như thế nào và làm gì để các hoạt động điều tra vẫn đúng quy định mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm xe của nhân dân, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, với vụ án xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm, hiện nay công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can với các tội danh: Nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán trao đổi công cụ, thiết bị phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Có thể nói đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội. Qua điều tra cho thấy một số lãnh đạo phòng kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt mã đăng kiểm hoặc thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh hay đèn…
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, khi cơ quan công an tiến hành khám xét một số trung tâm đăng kiểm, có ý kiến cho rằng cơ quan công an làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm, nhưng thực tế không phải như vậy. Từ khi điều tra vụ án đến nay, cơ quan công an không ra quyết định nào, không ra một văn bản tố tụng nào về việc dừng hay tạm dừng hoạt động của các trung tâm đăng kiểm và hoạt động tố tụng này hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật. Cơ quan công an chỉ thu giữ vật chứng, tài liệu của đối tượng phạm tội.