Tuy nhiên, nội dung này đã được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ và sẽ được xem xét tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sắp diễn ra cuối tháng 10 này; đồng thời nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh một nhiệm kỳ trình cấp có thẩm quyền xem xét hai nội dung và tránh tình trạng một chính sách có hai văn bản, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội lần này chỉ trình xem xét nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Đường bộ.
Trước đó, tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết để thực hiện mục tiêu 5.000km đường cao tốc, ước tính nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng để hoàn thành hơn 2.000km và khởi công 925km sẽ cần tới 239.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.
Với yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc rất lớn nên xây dựng chính sách để ngân sách nhà nước có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết. Bên cạnh đó, khi các đường cao tốc hoàn thành cần nguồn tiền bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật.
Những năm qua các tuyến đường do nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm mới cơ bản đáp ứng được chi phí quản lý, khai thác và một phần chi phí bảo trì.
Dự kiến đến 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách đi vào hoạt động, ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 9.000 tỷ đồng (bình quân hơn 1.800 tỷ đồng/năm).
Qua tính toán, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng phương án thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư qua trạm thu phí theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay, tác động trong trường hợp không thu phí sử dụng đường cao tốc thì chủ xe sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc, dẫn đến lưu lượng phương tiện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông và giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng dẫn giải kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng thực hiện thu phí qua trạm để vận hành, bảo trì, hoàn vốn và đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới đường cao tốc như Trung Quốc, Nhật Bản.
Như vậy, trước nhu cầu kinh phí lớn cần dành cho hệ thống cao tốc, trên cơ sở lợi ích của đường cao tốc mang lại cho người sử dụng, trong khuôn khổ quy định pháp luật hiện hành, phía Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ đường cao tốc trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư để trình Quốc hội xem xét thông qua là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ góp phần huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm thu hồi vốn Nhà nước đã đầu tư, tạo nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới các tuyến đường cao tốc, tạo nguồn kinh phí cho công tác bảo trì, duy tu tuyến đường thu phí.
Khẳng định sẽ xây dựng mức thu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cam kết quá trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí thu được, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí.