Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục quản lý chuyên ngành như đường bộ, hàng hải, đăng kiểm, đường thủy nội địa, đường sắt và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tăng cường kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tăng cường phối hợp triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đã được cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu nguồn hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải và chế tài xử phạt vi phạm", Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành đẩy mạnh kiểm soát tải trọng xe theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe tại các khu vực đầu nguồn hàng, cảng, bến, nhà ga, kho bãi.
Đối với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị đơn vị này tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ và vận động hội viên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện và của cầu, đường bộ.
Đánh giá tình trạng xe chở quá tải, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, sau thời điểm giãn cách xã hội, xe quá tải có dấu hiệu gia tăng trở lại. Nếu như trước đây, tỷ lệ xe quá tải được phát hiện, xử lý chỉ chiếm dưới 10%, hiện tỷ lệ này đã tăng trên 10%.