Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đây là dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy, trước khi trình Chính phủ, dự án phải làm rõ 2 phương án đầu tư: Theo mô hình “cắt ngang”, trong đó ưu tiên đầu tư trước chặng Vinh - Hà Nội, Nha Trang – TP Hồ Chí Minh như đề xuất của tư vấn (Liên danh Tedi – Tricc - Tedisouth) và đầu tư “bổ dọc”, theo đề xuất của GS. Lã Ngọc Khuê.
Cả hai phương án đều phải căn cứ trên những thống kê, số liệu khách quan, trung thực của các đơn vị nghiên cứu, tổ chức, chuyên gia khoa học để đưa ra kết luận, đề xuất. Theo đó, dự án sẽ đầu tư trước hạ tầng toàn tuyến Bắc - Nam, khai thác trước bằng đầu máy diesel, từng bước hiện đại hóa thành đường sắt tốc độ cao.
Trước đó, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tedi trình bày nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó tổng hợp các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học và Hội đồng thẩm định nội bộ của Bộ GTVT đối với cả hai phương án đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, điểm đặc biệt của dự án đường sắt tốc độ cao là khi trình Quốc hội chưa phải triển khai ngay, song cần được quyết sách ngay từ khâu chấp thuận chủ trương về công nghệ dự án, vì đây là yếu tố quyết định đến các hạng mục dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam suốt tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dài 1.500 km, đi qua 20 địa phương, với 23 nhà ga. Dự án dùng công nghệ đoàn tàu, vận tốc thiết kế 350 km/giờ. Phương án đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang giai đoạn 2020 - 2030 và hoàn thành đoạn giữa giai đoạn sau 2030 - 2040.