Đáng chú ý, tại dự thảo này, sửa đổi trọng tâm nhất nằm ở quy định về xe khách hợp đồng và xe du lịch, nhằm tiến tới “dẹp” tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định đang tràn lan tại nhiều địa phương.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất: Xe khách hợp đồng mỗi chuyến đi chỉ được đón/trả khách tại một địa điểm đi/đến theo đúng hợp đồng. Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc trong 1 tháng có tổng trên 10 ngày đón/trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác.
Về tỷ lệ số chuyến trong tháng xuất phát tại 1 điểm, Bộ Giao thông vận tải đưa ra 2 phương án và giảm tần suất chuyến đi tối đa trong 1 tháng tại 1 điểm từ 30% xuống tối đa 10%.
Cụ thể: Phương án 1, trong 1 tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và cuối lặp lại; phạm vi điểm đầu và cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp xã/phường. Việc xác định số chuyến xe trong tháng căn cứ theo thông tin thiết bị giám sát hành trình, hợp đồng vận chuyển, hoặc các biện pháp khác.
Phương án 2, cơ bản các quy định như phương án 1, chỉ khác là sửa điểm đầu/cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp huyện.
Theo Bộ Giao thông vận tải, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định liên quan tới xe du lịch, xe hợp đồng còn bộc lộ bất cập, khó khăn trong xử lý vi phạm, dẫn tới nhiều xe chạy trá hình như xe khách tuyến cố định.
Sở Giao thông Vận tải một số địa phương cũng nêu thực tế, một số quy định đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch còn khó xác định trên thực tế để xử lý vi phạm, như xác định tỷ lệ số chuyến xuất phát, kết thúc cùng 1 điểm trong 1 tháng. Có xe hợp đồng xuất phát tại nhiều địa điểm, nhưng trong một ngõ, tuyến phố, rất khó xử lý, dẫn tới nhiều xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng lại hoạt động trá hình tuyến cố định, gây khó khăn cho công tác quản lý.