Xin ông cho biết, Bộ NN&PTNT đã đưa ra giải pháp gì để giúp người dân sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn?
Bộ NN&PTNT đã đưa ra hai nhóm giải pháp: Cứng và mềm. Trong nhóm giải pháp cứng, trước mắt phải hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn, giữ nước. Còn về dài hạn, phải tìm nguồn vốn để xây dựng các công trình ngăn mặn, tích ngọt theo quy hoạch, số vốn này khoảng 34.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD), nhưng hiện nay ngân sách vẫn còn rất hạn hẹp.
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt sinh hoạt cho người dân, các địa phương cần hướng dẫn người dân khoan giếng lấy nước ngọt đúng cách để không làm ảnh hưởng tới môi trường, tích trữ tối đa các nguồn nước ngọt.
Với nhóm giải pháp mềm, tháng 3/2016, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn của ĐBSCL. Ví dụ vụ đông xuân sản xuất ở khu vực nào, bón phân, giống gì. Vụ hè thu tới, những vùng bị xâm nhập mặn phải treo ruộng thì sẽ sử dụng các loại giống lúa nào để chịu mặn. Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, đến tháng 5, sau khi có mưa, hoặc lũ tiểu mãn thì các vùng bị hạn mới có thể sản xuất. Tại các khu vực này, bà con phải bón vôi để chống mặn, phèn và các loại phân bón phân giải chậm…
Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ về cơ chế hỗ trợ cho những vùng công bố thiên tai, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha với lúa; với mạ là 20 triệu đồng/ha; lúa lai 3 triệu đồng/ha; mạ lúa lai hỗ trợ 30 triệu đồng/ha, còn với cây ăn trái hỗ trợ 4 triệu đồng/ha.
Các chuyên gia đều dự báo, xâm nhập mặn sẽ còn tác động lâu dài tới Việt Nam. Vậy Bộ đã có quy hoạch như thế nào về việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với hạn, mặn?
Năm nay, nhiều nơi ở khu vực ĐBSCL đã bị xâm nhập mặn sớm, xâm nhập sâu tới 50 - 70 km, gấp đôi so với mọi năm. Nồng độ muối trong nước biển cũng rất cao, mọi năm chỉ từ 5-7%O, nhưng năm nay phổ biến là 10%O, thậm chí có nơi tới 20%O, gây khó khăn rất lớn cho sản xuất.
Vụ đông xuân 2015 - 2016, tại khu vực ĐBSCL, trong số 1,5 triệu ha lúa gieo cấy thì đã có 150.000 ha bị thiệt hại nặng, khoảng 340.000 ha bị thiệt hại từ 30-70%. Dự kiến, khi xâm nhập mặn đạt đỉnh điểm vào tháng 4, diện tích bị ảnh hưởng hạn, mặn sẽ tăng lên trên 400.000 ha. Tổng sản lượng lúa bị thiệt hại sẽ khoảng trên 1 triệu tấn. |
Bộ NN&PTNT đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng, trong đó Viện Quy hoạch thủy lợi phải xây dựng bản đồ xâm nhập mặn, những vùng nào xâm nhập mặn 30 km, những vùng nào 50 km, 70 km… Trên cơ sở những quy hoạch này, chúng tôi sẽ có khuyến cáo nông dân bố trí những loại cây phù hợp. Thực tế, chúng tôi cũng đang xây dựng một gói kỹ thuật để giúp ĐBSCL có thể thích ứng với biến đổi khí hậu cho những năm tiếp theo, ví dụ nếu năm nay xâm nhập mặn 70 km, sẽ chuyển sang các cây khác có thể chịu mặn hoặc dừng lại sản xuất để tránh thiệt hại.
Về lâu dài, khi đã có quy hoạch vùng xâm nhập mặn, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra các giải pháp cây trồng phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn của từng vùng. Cục Trồng trọt cũng đang nghiên cứu đề án này, để hoàn thành trong năm 2016.
Trong đề án Cục đang thực hiện, những loại cây trồng nào sẽ được ưu tiên để chống hạn hán, xâm nhập mặn thưa ông?
Cây lúa vẫn là thế mạnh của ĐBSCL, do vậy vẫn phải tập trung vào nghiên cứu các giống lúa chịu mặn. Hiện có một số giống lúa chịu được độ mặn 3 - 4%O, nhưng phải nghiên cứu các giống chịu mặn cao hơn nữa để có thể sống chung với hạn, mặn. Chúng tôi đang kết hợp với Viện Lúa ĐBSCL và các trung tâm nghiên cứu phía bắc, để nghiên cứu đưa ra các giống lúa chịu mặn tốt hơn.
Còn với những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa nào chịu được, chúng ta sẽ quy hoạch nuôi tôm hoặc kết hợp một vụ tôm, một vụ lúa.Ví dụ: Kiên Giang đã có kiến nghị về việc trồng một vụ lúa, một vụ tôm, hoặc có thể chuyển sang chỉ nuôi các loại thủy sản, gia cầm khác… Với các loại cây dài ngày, phải tìm ra những loại cây phù hợp dựa trên độ mặn của từng vùng và đưa ra các giải pháp kỹ thuật để cây trồng thích ứng được với độ mặn cao như: tủ gốc giữ ẩm, cắt tỉa cành để khỏi thoát hơi nước.
ĐBSCL đã chuyển đổi được 300.000 ha lúa sang trồng ngô, mè… nhưng lúa gạo và trái cây vẫn là cây trồng có lợi thế, nên việc chuyển đổi chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi cũng đang xây dựng đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, trong đó sẽ tập trung các giải pháp tăng cường giá trị của sản xuất lúa gạo.