Trong tháng Chín, lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm xuống 1,8%, lần đầu tiên trong hơn ba năm chỉ số này xuống dưới mức mục tiêu 2% của ECB.
Triển vọng giảm giá được xem là một sự đảo chiều so với mức lạm phát cao kỷ lục gần đây, vốn đã buộc ECB phải đẩy lãi suất lên mức kỷ lục 4% vào tháng 9/2023.
Các nhà hoạch định chính sách ECB sẽ nhóm họp vào ngày 17/10 tới và nhiều người dự đoán rằng ngân hàng này sẽ cắt giảm lãi suất. Các nhà đầu tư dự kiến ECB sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,25%.
Theo các nhà kinh tế, việc cắt giảm lãi suất vào tháng Mười có thể mở ra một loạt các đợt giảm lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn. Hiện tại, các thị trường tài chính dự đoán rằng ECB sẽ hạ lãi suất xuống 1,7% trong nửa cuối của năm 2025.
Nhà kinh tế Jens Eisenschmidt tại ngân hàng Morgan Stanley, người đã làm việc tại ECB cho đến năm 2022, cho rằng việc tránh quay trở lại tình trạng lạm phát dưới 2%, sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của ECB. Ông dự đoán rằng lãi suất của ECB sẽ giảm một nửa xuống còn 1,75% vào tháng 12/2025, nhưng cũng nhấn mạnh rằng có thể mức này sẽ không phải là điểm kết thúc của chu kỳ nới lỏng.
Theo dự báo của ECB công bố vào tháng Chín, lạm phát hàng năm sẽ đạt mục tiêu 2% vào quý IV/2025. Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương lo ngại rằng dự báo trên, có thể quá lạc quan ngay cả trước khi số liệu lạm phát của tháng Chín được công bố.
Ông Sebastian Dullien, Giám đốc nghiên cứu của Viện Chính sách Vĩ mô có trụ sở tại Düsseldorf (Đức), cảnh báo tăng trưởng yếu và lạm phát giảm mạnh cho thấy ECB đang hành động quá chậm trong việc điều chỉnh lãi suất Ông Dullien nhấn mạnh rằng ECB đã tăng lãi suất quá mức, gây tổn hại cho một nền kinh tế vốn đã chịu ảnh hưởng của năng suất thấp, đầu tư yếu và dân số già. Theo ông, chính sách tiền tệ làm trầm trọng thêm một số vấn đề cấu trúc.
ECB đã hai lần cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục trong năm nay và thị trường dự đoán ngân hàng này sẽ đẩy nhanh quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ với hai lần hạ lãi suất vào tháng 10 và tháng 12, do áp lực lạm phát đang giảm nhanh hơn dự đoán của các nhà hoạch định chính sách.