Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (Quyết định 39), các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng, tương đương 8,5 cents/kWh). Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng, tương đương 9,8 cents/kWh).
Đây là mức giá mua điện gió tương đối cao so với mức giá được áp dụng từ trước đó (khoảng 1.770 đồng/kWh, tương đương 7,8 cent). Giá mua điện ở trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Theo TS. Mai Duy Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, với Quyết định số 39, nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào lĩnh vực điện gió, công suất hiện đã vượt qua quy hoạch. Đây là điểm đáng mừng, nếu có thể giải quyết từng bước và nhanh chóng giải tỏa công suất cho các dự án, đem lại nguồn điện sạch cho phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả kinh tế của các dự án, tránh tình trạng như điện mặt trời thời gian qua.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Bạc Liêu, theo quy hoạch, tổng công suất tiềm năng gió tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 2.507 MW. Hiện tại, tỉnh Bạc Liêu có tổng số 24 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 4.449,8 MW; trong đó, 2 dự án đang vận hành, công suất gần 100 MW; 4 dự án đã được phê duyệt quy hoạch (đang tổ chức thực hiện), công suất 292 MW và 18 dự án đang trình bổ sung quy hoạch, tổng công suất hơn 4.000 MW. Như vậy trong thời gian tới số dự án cần phải tính toán giải tỏa công suất là 22 dự án với tổng công suất hơn 4.350 MW.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, việc truyền tải công suất các dự án trên gặp nhiều khó khăn do các công trình đường dây và trạm biến áp 110 kV trong khu vực chậm thực hiện. Các công trình đường dây và trạm biến 220 kV theo quy hoạch dự kiến thực hiện trong năm 2023, trong khi các dự án điện gió của tỉnh dự kiến vận hành trong các năm 2020, 2021 và sau 2021.
Ngoài ra, hệ thống lưới điện cao thế của khu vực bán đảo Cà Mau nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng còn rất thiếu và yếu (trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 tuyến đường dây 220 kV với chiều dài 122,8 km và 6 đường dây 110 kV với chiều dài 122,53 km, chưa có đường dây 500 kV). Trong khi đó, tiến độ xây dựng lưới điện chậm thực hiện.
Vì vậy, theo UBND tỉnh Bạc Liêu, việc truyền tải công suất các dự án năng lượng đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, lưới điện phát triển theo quy hoạch điện lực chưa tính hết sự thâm nhập lớn của nguồn năng lượng điện gió trên địa bàn tỉnh dẫn đến khả năng lưới điện không đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng điện phát của các nguồn điện gió trong tương lai, dẫn đến khả năng gây quá tải lưới cục bộ, tổn thất điện năng và ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải điện của tỉnh.
Theo Trung tâm Diều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), trước khi có Quyết định 39, chỉ có 9 dự án đi vào vận hành, với công suất khiêm tốn là 353 MW. Nhưng đến nay, hàng nghìn MW điện gió đã được ký hợp đồng mua bán điện và hàng nghìn MW đã được bổ sung quy hoạch. Các dự án điện gió tập trung ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Sóc Trăng...
Cụ thể, còn 31 dự án có tổng công suất 1.645 MW đã ký Hợp đồng mua bán điện đang được đầu tư xây dựng, nhưng chưa vận hành thương mại. Ngoài ra, có 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến năm 2025, nhưng chưa ký Hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700 MW. Bên cạnh đó, hơn 100 dự án khác đang xin ý kiến để được bổ sung vào quy hoạch.
Điều này đặt ra những khó khăn trong giải tỏa công suất các dự án điện gió cho ngành điện. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có thể cơ bản giải tỏa công suất tốt vào năm 2021. Tuy nhiên, còn rất nhiều dự án đang tiếp tục triển khai và bổ sung, gây khó cho việc giải tỏa.
Để hưởng mức giá ưu đãi cho điện gió, nhiều nhà đầu tư đang phải chạy đua với thời gian để nối lưới, vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 (mốc thời gian hưởng ưu đãi theo Quyết định 39), mặc cho những lo ngại xung quanh việc có thể bị sa thải công suất, tương tự như điện mặt trời trước đó.
Để tránh quá tải lưới truyền tải điện, giải tỏa công suất cho điện gió, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, năm 2020 sẽ khởi công 218 công trình và hoàn thành 240 công trình lưới điện 110-500 kV. Ngoài ra, Tập đoàn đã tính toán các kịch bản, đẩy nhanh kế hoạch xây dựng, đưa vào vận hành một số đường dây truyền tải như 220 kV Đông Hà - Lao Bảo, Bạc Liêu - Vĩnh Châu... trong quý III hoặc IV/2020.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng kỳ vọng, 1.600 MW điện gió sẽ vận hành trước cuối năm 2020 và 4.300 MW vận hành trước tháng 12/2021, trước thời điểm hết hạn giá khuyến khích điện gió theo quy định và không xảy ra tình trạng "dồn toa" xin cấp đấu nối như các dự án điện mặt trời thời điểm tháng 6/2019.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với quy mô các nhà đầu tư tăng lên nhanh chóng, áp lực về giải tỏa điện thông qua hệ thống truyền tải là rất lớn. Vì vậy, trước tiên Bộ rà soát các quy hoạch, trên cơ sở đánh giá tiềm năng các khu vực để sớm bổ sung vào quy hoạch những dự án cần thiết, quan trọng của hệ thống truyền tải, các trạm để nâng cao năng lực giải tỏa.
Ngoài ra, Bộ thống nhất với EVN xác định giải pháp huy động các nguồn lực để đẩy nhanh thực hiện, những dự án đầu tư trong hệ thống truyền tải, đặc biệt đảm bảo vai trò của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các công ty điện lực địa phương, cũng như các yếu tố đấu nối kỹ thuật, vận hành an toàn và xuyên suốt của hệ thống truyền tải để giải tỏa tối đa công suất cho các dự án mới đầu tư…