Nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo có kết quả kinh doanh quý I/2023 đi lùi, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, cùng những bất cập trong cơ chế giá phát điện đối với điện gió, điện mặt trời, nhiều nhà máy điện đã đầu tư xong không thể bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng sẽ mở đường cho doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát triển.
Quý I/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán: ASM) có doanh thu giảm 5%, nhưng lợi nhuận giảm tới 73,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân do phí tài chính tăng cao. Tính tới cuối quý I, nợ vay của doanh nghiệp vượt 10.000 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 15.250 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế dự kiến 545 tỷ đồng, giảm 43,4% so với thực hiện năm 2022.
Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG) công bố báo cáo quý I có doanh thu thuần đạt 548,5 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty có lãi sau thuế 103,7 tỷ đồng, giảm tới 40% so với quý I/2022. Theo Công ty cổ phần Điện Gia Lai, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh thu bán điện giảm, trong khi giá vốn tăng. Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng mạnh vì nợ vay tăng, cùng đó lãi suất ngân hàng cũng điều chỉnh tăng.
Quý I/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) có lợi nhuận sau thuế đạt 250 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 lỗ gần 860 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn một tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp vận hành nhà máy điện gió Ea Nam (Đắk Lắk), công suất 400 MW - công trình điện gió lớn nhất cả nước.
Điểm chung của các doanh doanh nghiệp này là sử dụng đòn bẩy tài chính cao, trong khi lãi suất tăng. Điều này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị “bào mòn” nghiêm trọng.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ông Nguyễn Hà Đức Tùng cho biết, sau giai đoạn bùng nổ công suất với chính sách giá FIT (Biểu giá điện hỗ trợ là công cụ chính sách được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo), nâng tổng tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo từ mức 9% năm 2019 lên 27% tổng công suất trong năm 2022, giai đoạn phát triển tiếp theo của nguồn điện đang gặp nhiều thách thức.
Trong bối cảnh vẫn có bất ổn ở giai đoạn phát triển tiếp theo của điện năng lượng tái tạo, ông Tùng vẫn đặt niềm tin vào một cơ chế giá điện chính thức sẽ được ban hành trong năm nay. Khi mọi nút thắt được giải quyết, mảng xây lắp điện, bao gồm thầu EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp sẽ “bùng nổ” đầu tiên.
Theo ông Tùng, trong bối cảnh tắc nghẽn nhiều mặt, ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương ban hành khung giá chuyển tiếp cho các dự án điện mặt trời, điện gió. Mức giá chính thức dựa trên những tính toán từ EVN.
Theo đó, mức giá mới cho điện mặt trời vào khoảng 1.184 đồng/kWh, thấp hơn 29,5% so với giá FIT 2 (biểu giá điện năng lượng tái tạo được áp dụng cho dự án hoặc một phần dự án năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020). Mặt khác, giá điện gió trên bờ và gần bờ đều giảm khoảng 21% xuống 1.587 đồng/kWh và 1.816 đồng/kWh.
Mặc dù khung giá mới là dấu hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo chuyển tiếp khi các dự án của họ không được khai thác trong một thời gian dài kể từ khi giá FIT hết hạn, nhưng với khung giá này, VNDIRECT cho rằng không phải dự án nào cũng có khả năng sinh lời tốt. Để tối ưu khả năng sinh lời, các nhà đầu tư cần nỗ lực cắt giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và lãi vay.
VNDIRECT cho rằng giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra những quyết định tiếp theo, đặc biệt là việc ban hành cơ chế giá chính thức cho các dự án năng lượng tái tạo mới phát triển.
Đáng chú ý, Việt Nam đang tích cực thí điểm và hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và nhiều khả năng đây sẽ là hướng đi tiếp tục của giai đoạn phát triển sắp tới của thị trường năng lượng tái tạo. VNDIRECT nhận thấy tầm nhìn của Chính phủ đang dần được hình thành một cách rõ ràng hơn về giai đoạn tiếp theo của ngành.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tổ chức hồi đầu tháng 4, trả lời câu hỏi về việc nhiều nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo cho rằng, khung giá điện mà Bộ Công Thương đưa ra quá thấp, không thể có lãi và chưa thể gửi hồ sơ đàm phán với EVN, Bộ Công Thương có cách tháo gỡ nào cho các dự án này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư chuyển tiếp, thoả thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc đàm phán cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) cũng như những điều chỉnh đầy tham vọng trong Quy hoạch điện VIII, tăng công suất nguồn năng lượng tái tạo, VNDIRECT tiếp tục kỳ vọng vào một cơ chế giá đủ thu hút nhưng mang tính cạnh tranh lành mạnh hơn, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực tham gia vào thị trường này.
Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030.
Mục tiêu là hướng tới đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Bên cạnh đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, chuyển đổi năng lượng là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược của kinh tế thế giới; trong đó có Việt Nam nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững.