Có thể nói, để đánh giá đúng thực chất một dự án có hiệu quả thì không thể một sớm một chiều và bằng cảm tính mà cần lý giải về tính khoa, cũng như chiến lược lâu dài. Qua đây, cũng cần nhìn nhận thật khách quan về những thiếu sót, bất cập và tồn tại để kịp thời điều chỉnh hợp lý.
Vận tải công cộng đạt quá thấp so với nhu cầu đi lại
Chúng ta không nên lấy cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại đang còn nhiều yếu kém bắt cập của thành phố Hà Nội làm hình mẫu, mà phát triển giao thông cần phải có tầm nhìn xa, một chiến lược dài hơi. Vấn đề quy hoạch giao thông luôn được đặt lên hàng đầu khi xây dựng đô thị hiện đại, để phù hợp với mật độ xây dựng, dân số, lượng xe cộ…
Xe buýt BRT vận hành trên đường Láng Hạ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Vì vậy, cần phân tích dựa trên số liệu, cơ sở khoa học, hiện trạng giao thông, tính đặc thù và nhu cầu trong tương lai. Và khi mở rộng tầm nhìn sang các nước chỉ lấy mô hình để học tập, chứ không thể so sánh hay bê nguyên hình mẫu giao thông nước nào áp đặt vào đường phố Hà Nội.
Trong quy hoạch chiến lược phát triển giao thông của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 519, ngày 13/3/2016 thì Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối liên hoàn giao thông đô thị, nội đô lịch sử với các tuyến đường huyết mạch và vùng phụ cận. Không những thế, khi hoàn thành tổng thể các tuyến xe buýt nhanh này còn làm nhiệm vụ chuyển tiếp, kết nối với hàng chục tuyến xe buýt thường, đường trên cao, đường sắt đô thị, bến xe, nhà ga..
Chỉ khi nào làm xong được như hoạch định thì khi đấy Hà Nội mới hy vọng hạn chế nạn tắc đường, trong khi mật độ dân số, xe cộ tăng lên nhanh chóng hàng ngày. Và khi người dân có thể đi lại bằng phương tiện công cộng một cách thuận tiện, nhanh chóng thì khi đấy Hà Nội mới có thể áp dụng hạn chế phương tiện cá nhân một cách thành công.
Thực trạng hiện nay, tất cả hệ thống giao thông công cộng, trong đó có xe buýt nhanh BRT của Hà Nội mới đáp ứng được 8% nhu cầu đi lại, một con số rất nhỏ so với hoạch định. Cũng theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì vận tải hành khách công cộng đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30-35% tổng nhu cầu đi lại; năm 2030 khoảng 50-55%; sau 2030 đạt 65-70%. Các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%, sau năm 2030 đạt tối đa 50%.
Như vậy, với thực trạng, cũng như nhu cầu đi lại trong tương lai phản ánh qua những con số có thể thấy, Hà Nội đang thiếu nghiêm trọng vận tải công cộng, đặc biệt là các tuyến chạy nhanh, chất lượng cao, phục vụ tốt. So với chiến lược tổng thể trong nay mai thì cần 8 tuyến xe buýt nhanh để kết nối với nhau, trong lúc Hà Nội mới xây dựng được 1 tuyến đầu tiên, được xem như là thử nghiệm để đúc kết những bất cập, trở ngại, được xem như là đặt những viên gạch đầu tiên để xây móng. Chúng ta cũng không thể một lúc đòi hỏi tính hiệu quả và sự hoàn hảo của tuyến xe khi mới đưa vào hoạt động, đặc biệt ở đô thị vốn người dân chưa quen và còn ngại đi lại bằng vận tải công cộng.
Nếu ví giao thông công cộng của Thủ đô trong tương lai rất hiện đại như một “lâu đài” thì có thể thấy hiện nay Hà Nội đang xây móng cho tòa nhà đó. Để giải quyết câu chuyện về mối quan hệ giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng trong một điều kiện nguồn lực, nguồn vốn đang hết sức oe hẹp, thậm chí còn phải đi vay và thu hút nhiều dự án BOT đang là một vấn đề hết sức khó khăn và phải tính toán chặt chẽ.
Một lúc chúng ta cũng không thể có kinh phí để đầu tư đồng bộ cùng một lúc, mà cần đầu tư trọng điểm, cuốn chiếu và có lộ trình. Ngoài ra, lời giải cho bài toán này không chỉ là sự nỗ lực của chính quyền, mà rất cần sự ủng hộ, ý thức của chính chủ thể tham gia giao thông là người dân. Để hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng người dân vẫn có thể tham gia giao thông một cách thuận tiện thì cần đòi hỏi người dân và chính quyền Hà Nội cần bắt tay để xây dựng ngôi nhà lý tưởng trong tương lai.
Buýt nhanh có hiệu quả?Có quan điểm cho rằng, tuyến buýt nhanh BRT sau 4 tháng chỉ đạt công suất 50% so với thiết kế là chưa hiệu quả. Chúng ta chưa nên vội vàng đánh giá khi một dự án lớn mới đưa vào thử nghiệm, vận hành, mà cần nhìn nhận với thực tiễn của hoạt động vận tải, nhất là một loại hình mới, thí điểm, lần đầu có mặt ở Hà Nội và Việt Nam. Để đánh giá hiệu quả cần tiếp tục có thời gian. Tuy nhiên, với thời gian ngắn 4 tháng vẫn có thể thấy những hiệu ứng tích cực như: Khách ủng hộ và có xu hướng gia tăng, khách đi lai thường xuyên cao (trên 50%), một tỉ lệ không nhỏ khách bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang sử dụng BRT (trên 23%), trật tự giao thông trên toàn tuyến được cải thiện, ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài, tai nạn giao thông giảm thiểu.
Quan điểm khác, so với mức tiền đầu tư của Dự án, những kết quả tuyến BRT mang lại là chưa xứng đáng. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội cho rằng, đây là dự án thí điểm lần đầu ở Việt Nam và Hà Nội với mục tiêu cải thiện giao thông đô thị; nên cái được ở đây là xem xét hiệu quả và tính bền vững của giải pháp đối với giao thông đô thị.
Thực tế cho thấy giải pháp đã phát huy tác dụng khi tạo được hình ảnh mới về giao thông công cộng trên hành lang, thu hút người dân đi xe buýt, đồng thời cải thiện rõ rệt trật tự án toàn giao thông trên tuyến. Sẽ còn nhiều việc phải làm tiếp để tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực của BRT. Theo chiều hướng khác, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ trên hành lang này, cứ để tình trạng giao thông như hiện nay tiếp diễn, chỉ trong thời gian ngắn nữa giao thông ở đây sẽ trở nên nghiêm trọng khôn lường, đầu tư để giải quyết và xử lý lúc này sẽ không thể dự báo được lớn đến mức nào.
Cần khắc phục những yếu điểm
Hiện nay, với cường độ, tỷ lệ xe buýt nhanh đi lại chưa lớn, trong lúc đường giao thông vốn chật hẹp, nhưng vẫn dành riêng cho xe buýt một làn riêng là một sự lãng phí về không gian đang là một thực tế cần nhìn nhận để điều chỉnh. Và chủ trương thí điểm cho xe buýt thường chạy chung làn với buýt nhanh BRT cũng cần được đặt ra. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần tính toán cho phù hợp công năng sử dụng, thiết kế xe và nhà chờ hoàn toàn khác nhau, nên sử dụng chung trên một làn là khó vận hành, thậm chí xung đột, nhất là vận tốc, mật độ, lưu lượng đi lại của hai loại xe. Đặc biệt, khi đến ngã tư, ngã ba giao cắt với nhiều phương tiện giao thông khác thì giải bài toán xe ưu tiên cũng hết sức khó khăn. Theo thiết kế tuyến buýt nhanh sẽ có dịch vụ cao nhất là 3 phút/lượt.
Dịch vụ sẽ được điều chỉnh tăng dần theo mức độ gia tăng của hành khách để tránh lãng phí phương tiện, giảm chi phí vận hành. Hiện nay với mức tần suất dịch vụ ban đầu là 5ph-10ph một lượt xe sẽ có khoảng trống về không gian và thời gian trên hành lang vừa lãng phí vừa dễ tạo khoảng trống để các phương tiện khác lấn làn BRT. Bên cạnh đó, các tuyến buýt thường chạy cùng hành lang BRT đều là các tuyến buýt gom cho BRT thường chỉ chạy chung một đoạn (tối đa chưa đến 3km). Việc tạo điều kiện cho buýt thường chạy chung với BRT sẽ góp phần cải thiện dịch vụ buýt thường, giàm áp lực giao thông ở làn giao thông chung và gián tiếp tăng cường dịch vụ cho BRT.
Tuyến BRT dài 14,77 km với lộ trình Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Kim Mã có 02 điểm đầu cuối (Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã). Với lộ trình chạy như thế này thì lượng khách có nhu cầu đi vẫn là chưa lớn. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, lượng hành khách lên xuống tập trung tại nhà chờ Hoàn Đạo Thúy có mật độ lớn hơn hẳn, từ đây hành khách có thể xuống để đi về nhiều hướng khác nhau. Nên chăng để tăng lượng khách, phù hợp với nhu cầu đi lại, nhà quản lý cần sớm tính toán xây dựng thêm lộ trình xuất phát từ nhánh rẽ nhà chờ Hoàng Đạo Thúy để đi thêm một hướng Ngã Tư Sở - nơi có rất nhiều người sinh sống, học tập và lao động, có nhu cầu đi lại cao.