Theo các hộ dân, từ ngày 30/6 đến nay, cá có biểu hiện bỏ ăn, nổi đầu, dạt vào lưới, tuột nhớt, tróc da và bắt đầu chết nổi trắng lồng… Hiện tượng cá chết nhiều nhất vào các ngày 30/6 và 1/7, xảy ra trên cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm kích thước từ 0,6 - 5kg/con.
Ghi nhận của phóng viên, sáng 4/7, hàng trăm con cá chim (nuôi được 3 tháng) tại hộ ông Nguyễn Công Cáng chết trắng trên mặt nước. Những người làm công của ông Cáng liên tục vớt cá chết đổ vào bao mang đi tiêu hủy.
Ông Cáng cho biết, gần một tuần qua, cá chim nuôi trong lồng có biểu hiện bong tróc da, sau đó chết dần. Trong hai ngày 2 và 3/7, cá chết càng nhiều. Lồng bè ông Cáng có 100.000 con cá chim nuôi được 3 tháng nay, đã chết khoảng 80% và hiện đang tiếp tục chết.
“Chưa tính tiền công, thuốc men, thức ăn, thiệt hại cá chim con đã trên dưới 600 triệu đồng. Ngoài ra, cá chim lớn chuẩn bị xuất bán chết cũng thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chỉ trong gần một tuần, tôi đã bị thiệt hại cả tỷ đồng”, ông Cáng chua xót.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại thời điểm khảo sát thống kê vào ngày 3/7, có khoảng 10 hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại từ 70 - 100%, với số lượng cá chết khoảng 73.460 con. Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành lấy mẫu cá và mẫu nước tại các hộ thuộc khu vực có hiện tượng cá chết để xét nghiệm, tìm nguyên nhân.
Số cá chết đã được người dân vớt bỏ vào bao, thùng để đem vào bờ tiêu hủy. Hiện người dân đang tăng cường quản lý chăm sóc và theo dõi. Cá vẫn còn có hiện tượng bỏ ăn và chết rải rác. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã khuyến cáo người dân các biện pháp kỹ thuật, tăng cường quản lý chăm sóc và theo dõi số cá đang nuôi còn lại.
Theo đó, người nuôi theo dõi thường xuyên môi trường nước và hoạt động của cá trong lồng để xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra; tăng cường máy sục khí cung cấp oxy tránh cho cá bị ngộp, nhất là các cơ sở có cá lớn và số lượng nhiều. Người nuôi cũng nên tiến hành san thưa mật độ cá trong mỗi lồng để tránh hiện tượng cá quá dày làm thiếu oxy cục bộ.
Những lồng, bè nuôi đã đến kỳ thu hoạch khẩn trương thu hoạch và tu sửa, vệ sinh lồng nuôi chuẩn bị cho vụ nuôi mới tránh thiệt hại lớn về kinh tế. Các cơ sở nuôi nên thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để tăng lưu tốc dòng chảy, nhằm cải thiện chất lượng nước giúp cá nuôi mau lớn, tăng hàm lượng oxy trong nước.
Ngoài ra, thức ăn tươi (cá tạp) phải đảm bảo còn tươi và được rửa trước khi cho ăn, không cho ăn thức ăn ươn thối, nên bổ sung các loại khoáng chất cần thiết vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Cơ quan chức năng cũng lưu ý người dân khi thấy có hiện tượng biến động môi trường mạnh, cá có hiện tượng nhiễm bệnh hoặc chết cần phải kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý hoặc chính quyền địa phương để có phương án xử lý kịp thời. Đặc biệt khi có hiện tượng cá chết, cơ sở phải thu gom cá chết và đưa vào bờ xử lý theo quy định, tránh tình trạng vứt bừa bãi ra sông gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Trước đó, tháng 4/2019, trên sông Chà Và cũng đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt với thiệt hại khoảng 40.000 tấn.