Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Tuy Phong khẩn trương tiến hành thu thập mẫu nước, mẫu cá, thức ăn, nguồn con giống để kiểm nghiệm, phân tích sớm làm rõ, kết luận nguyên nhân cá chết tại các lồng bè của các hộ dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình nuôi cá lồng bè tại vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; tăng cường công tác quan trắc, giám sát môi trường vùng nuôi để có khuyến cáo cho người nuôi biết, phòng tránh kịp thời.
Tỉnh cũng khuyến cáo một số biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác hại cá nuôi lồng chết hàng loạt trong mùa nắng nóng; yêu cầu người nuôi phải kiểm dịch cá giống trước khi thả nuôi; hỗ trợ chi phí xét nghiệm bệnh từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản đã được phê duyệt; tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng bè, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về phương pháp xử lý môi trường vùng nuôi, biện pháp xử lý nhanh khi cá có các biểu hiện như thiếu oxy cục bộ do tác động của môi trường, thời tiết… các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến cá nuôi lồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, trong những ngày gần đây (từ ngày 15/6/2018) tại các lồng bè nuôi cá tại vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong có hiện tượng cá bị chết, chủ yếu là cá bóp dưới 50 ngày tuổi, trọng lượng khoảng 60g - 100g/con, có 1 hộ cá chết 100% (2.000 con, cá lớn khoảng 2 kg và cá nhỏ), các hộ còn lại cá nhỏ dưới 50 ngày tuổi bị chết với số lượng từ 10 - 20% số lượng cá thả nuôi.
Kết quả đo nhanh nước biển cho thấy tại vị trí lồng bè nhiệt độ khoảng 28 độ C, oxy hòa tan khoảng 4,7 mg/l, pH 8,05; tại vị trí cách lồng bè khoảng 200 m về phía biển nhiệt độ khoảng 28 độ C, oxy hòa tan 6,4 mg/l, pH 7,6. Các chỉ tiêu đo nhanh nêu trên đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.