Dự kiến trong năm 2014, cả nước sẽ xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn cà phê, đạt giá trị đạt hơn 3 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, nhìn về quá khứ “ba chìm bảy nổi” và thực trạng ngành cà phê hiện nay, không ít người trong cuộc vẫn nặng nỗi lo.
Xuất thô đến 90%
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 1 triệu tấn, trị giá hơn 2,1 tỷ USD, tăng gần 32% về khối lượng và 25% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 2.025 USD/tấn. Đức, Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Chăm sóc diện tích trồng cà phê tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
“Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 30 thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản chiếm tới 80% sản lượng”, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam nhận định.
Theo khảo sát của các ngành chức năng, dù Việt Nam giữ vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng 90% sản lượng là xuất khẩu thô. Hệ quả “nhãn tiền” mà ngành cà phê trong nước phải gánh chịu là tên tuổi cà phê Việt Nam chưa được thế giới biết đến dù khách hàng vẫn sử dụng cà phê Việt Nam. Về khối lượng xuất khẩu, cà phê Việt Nam chiếm đến 20%, nhưng chỉ chiếm 2% giá trị.
Theo ông Nam, thị trường cà phê thế giới đang dịch chuyển dần những năm gần đây sang châu Á với tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng cà phê khu vực này là hơn 4%/năm. Trong khi các nhà chế biến cà phê trong nước vẫn đang loay hoay với các giải pháp phát triển, cạnh tranh, thì có rất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới như: Mondelez, Nestlé... đã tận dụng nguồn nguyên liệu cà phê dồi dào, tăng tốc đầu tư để chiếm lĩnh thị trường.
Đường dài chông gai
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến ngành công nghiệp chế biến cà phê trong nước vẫn ì ạch là do điều kiện tài chính của các nhà đầu tư Việt Nam hạn chế, khó khăn trong việc xây dựng thị trường, thương hiệu sản phẩm... Hiện cả nước có khoảng 40 nhà máy chế biến, đạt công suất hơn 1,2 triệu tấn/năm nhưng hầu hết cũng chỉ mới dừng lại ở công đoạn sơ chế như bóc tách vỏ, làm sạch và phân loại sản phẩm cà phê xô...
“Chỉ qua chế biến thì cà phê mới gia tăng được giá trị. Thực tế cho thấy, giá trị do cà phê hòa tan đem lại gấp hàng chục lần cà phê nhân. Cụ thể, khi bán 1 kg cà phê nhân, người nông dân thu về khoảng 2 USD, tương đương giá trung bình 1 ly cà phê chế biến ở các nước nhập khẩu. Trong khi, mỗi kg cà phê nhân có thể pha được 40 ly cà phê”, ông Nam lấy ví dụ.
Số liệu của ngành cà phê cho thấy, hàng năm chỉ có khoảng 10% sản lượng cà phê trong nước được chế biến, bao gồm cả chế biến rang xay và chế biến sâu (cà phê hòa tan). Những nhà đầu tư trong nước đang ăn nên làm ra ở lĩnh vực này có thể đếm trên đầu ngón tay như: Vinacafe, Trung Nguyên... ; các sản phẩm rang xay có thương hiệu như: Thu Hà (Gia Lai), Ðắc Hà (Kon Tum)... Còn cà phê xuất khẩu của các doanh nghiệp chủ yếu đều dưới dạng nguyên liệu thô với tiêu chuẩn trung bình nên giá trị chưa cao.
Do chủ yếu được xuất khẩu thô cà phê nên ngành cà phê không chỉ thiệt hại về giá trị mà còn chịu nhiều thiệt thòi do chưa xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng thế giới. Điều này hoàn toàn trái ngược với Bra - xin hoặc những nước xuất khẩu ít hơn như Côlômbia, Êtiôpia... Đã đến lúc các doanh nghiệp phải tập trung nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất cà phê, cũng như đầu tư mở rộng quy mô, công suất chế biến từ dạng thô sơ sang cà phê bột, cà phê hòa tan...
“Muốn làm được như vậy, chúng ta phải có chính sách tín dụng đặc biệt ưu đãi đối với dự án chế biến cà phê hòa tan. Song song, các doanh nghiệp chế biến phải có kế hoạch tiếp thị, xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững cả trong và ngoài nước...”, ông Nam cho biết thêm.
Lê Nghĩa - Hữu Vinh
Bài cuối: Hướng tới nền nông nghiệp xuất khẩu bền vững