​Các định hướng ưu tiên phát triển vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 31/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến về Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long với sự tham dự của lãnh đạo 19 tỉnh, thành.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu lên một số định hướng quan trọng trong việc lập kế hoạch. Cụ thể, các đơn vị, địa phương đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế hiện tại, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 2021-2025 sát với thực tế, đặc biệt có tính đến cả những thách thức phát sinh trong bối cảnh “bình thường mới”.

Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 phải bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát huy các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016-2020; đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo sự phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các định hướng phát triển phải hướng tới người dân là trọng tâm, quan tâm tới đời sống, hạnh phúc của người dân, các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững; đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch phát triển vùng, miền.

Riêng với vùng Đông Nam Bộ còn cần đặc biệt ưu tiên phải huy động nguồn lực để đầu tư các công trình cảng biển, sân bay, đường kết nối cảng... phân bổ nguồn hàng hợp lý để sử dụng hiệu quả các cảng biển trong vùng, trong đó có cảng Cát Lái và cảng Cái Mép-Thị Vải.

Còn vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung đầu tư giải quyết các điểm nghẽn là giao thông, các hồ chứa nước, trữ nước, khắc phục sạt lở bờ sông bờ biển. Phát triển hành lang giao thông thành các hàng lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, các khu dân cư xung quanh tạo thành một động lực phát triển mới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, vùng Đông Nam Bộ tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới; thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để phát triển các chuỗi giá trị; phát triển mạnh các loại dịch vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Cùng đó, vùng Đông Nam Bộ sẽ sớm hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước, phát huy vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh để đưa vùng tiếp tục là một động lực tăng trưởng thời gian tới.

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được đảm bảo; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỉ lệ cao.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hạ tầng thủy lợi phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động đa dạng và sử dụng nguồn lực có hiệu quả để xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 8 - 8,5%; GRDP bình quân/người đến năm 2025 khoảng 87,24 triệu đồng... Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp và cần căn cứ vào các quy hoạch vùng với cách làm đổi mới sáng tạo, không tư duy dàn trải, cát cứ, chỉ nghĩ lợi ích một địa phương mà bỏ qua các yếu tố vùng, yếu tố quốc gia.

Về kết cấu hạ tầng, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long hoàn thiện kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và hạ tầng giao thông kết nối nội vùng như các tuyến đường và cầu ven biển từ Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau – Kiên Giang, các tuyến đường ngang hướng về trung tâm của Vùng là Thành phố Cần Thơ...

Thúy Hiền (TTXVN)
Tháng 8, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020
Tháng 8, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020

Tổng cục Thống kê cho biết, với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN