Chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thống kê, với mức tăng GDP là 5,93%, tín hiệu tốt ở một số ngành như chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch… trong quý III cho thấy đang có sự khởi sắc tốt trong cơ cấu nền kinh tế. Nhấn mạnh ý nghĩa sự tăng trưởng cả ngành chế biến, chế tạo, ông Lâm cho biết, mặc dù ngành khai khoáng giảm mạnh (giảm 4,1%, khiến chỉ số GDP chung giảm 0,9%) so với cùng kỳ năm trước, nhưng bù lại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại tăng 10,4%, đóng góp 7,4% vào mức tăng chung.
Sản xuất dây điện tại Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tiến Thịnh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Làm rõ hơn vấn đề, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ hệ thống Tài khoản quốc gia cho biết, với diễn biến tình hình kinh tế 9 tháng qua, dù tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và vụ ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đang “ấm” lên, đã lấy lại đà tăng trưởng (đầu năm lĩnh vực này tăng trưởng âm). Biểu hiện nữa là nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ. Đặc thù kinh tế Việt Nam là nhập siêu, nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu, máy móc, thiết bị cho sản xuất, kinh doanh, hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Với cơ cấu hàng hóa nhập khẩu tăng này sẽ tác động tích cực vào tăng trưởng GDP quý IV. Một tín hiệu đáng chú ý nữa là 9 tháng qua, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ 2015. Điều này cho thấy, khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.
Tập trung vào ba động lực
Các chuyên gia của Tổng Cục Thống kê cho rằng, kết quả tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm phản ánh tín hiệu tích cực, nếu như trước đây tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào khai tác tài nguyên, nay đã dựa vào sản xuất. Đây chính là bài học và kinh nghiệm để Việt Nam tập trung phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ mà không phải dựa vào tài nguyên. Bài học thứ hai là dù trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng nếu có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ bằng các chỉ thị, nghị quyết và có lực lượng doanh nghiệp vào cuộc thì tăng trưởng sẽ phát triển. Bởi lực lượng doanh nghiệp đang đóng góp tỉ trọng tới 60% vào mức tăng trưởng chung của GDP. “Với đà tăng GDP của 9 tháng qua, nhất là quý III tăng khá, kỳ vọng quý IV sẽ tăng trưởng bứt phá so hơn so với các quý trước. Với mức tăng GDP của quý III là 6,40%, và sự phục hồi của các ngành sản xuất, mức tăng trưởng GDP cả năm 6,7% vẫn có thể đạt được”, ông Tuyến nhận định.
Đánh giá tình hình kinh tế quý cuối năm, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong thời gian tới, động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tập trung chủ yếu vào 3 nhóm chính. Thứ nhất là cộng đồng doanh nghiệp, sự phát triển về số lượng DN đăng ký và tỉ lệ đi vào sản xuất cho thấy môi trường kinh doanh đang tạo ra điều kiện tốt để DN phát triển. Thứ hai là tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn. Việc tái cơ cấu lại sản xuất của khu vực này rất quan trọng, vì nông nghiệp vẫn là cứu cánh của nền kinh tế. Thứ ba là nhu cầu tiêu dùng trong nước, trước đây nền kinh tế xác định xuất khẩu là động lực tăng trưởng, nhưng dân số Việt Nam đã lên tới 92,7 triệu, nhu cầu tiêu dùng nội địa rất lớn, sẽ góp phần tăng trưởng GDP.
Đồng thuận quan điểm trên, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, để đảm bảo GDP tăng trưởng bền vững, Chính phủ cần có giải pháp phát huy hiệu quả các nguồn lực như lực lượng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, và cả nguồn vốn của kiều bào (từ 1991 đến 2015 hơn 100 tỉ USD). Vấn đề không phải thể chế không có, vấn đề là thực thi thể chế. Làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn kiều hối, ODA, FDI trở thành động lực để phát triển thì cần phải có giải pháp. Nếu phát huy được hiệu quả các nguồn lực này, Việt Nam không cần phải dựa vào khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ, mà vẫn đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Trả lời câu hỏi Ngân hàng châu Á (ADB) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016 từ mức 6,7% xuống mức 6%, ông Hà Quang Tuyến cho biết, đưa ra dự báo trên là ADB dựa vào số liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I và quý II, thời điểm này rơi đúng vùng trũng của đà tăng trưởng. ADB chưa có số liệu cập nhật quý III, trong khi quý III kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc nên ADB sẽ cập nhật và có những điều chỉnh về tăng trưởng GDP của Việt Nam. |