Vẫn còn thiếu sự tận tình
Báo cáo được thực hiện, giám sát bởi 6 cơ quan là: Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV).
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI (thứ 3 từ trái sang) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VCCI |
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, trong khi 23% đơn vị đánh giá ở mức tốt và rất tốt với chỉ tiêu cán bộ thuế "không hách dịch, nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà" thì tỷ lệ đánh giá kém và rất kém vẫn lên tới 27%; chỉ tiêu tận tình, chu đáo của cán bộ thuế cũng được 19% đơn vị đánh giá là tốt và rất tốt nhưng 27% vẫn có đánh giá là kém và rất kém.
Với ngành hải quan, chỉ 21% đơn vị đồng tình cán bộ có lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở mức tốt; 26% đơn vị vẫn đánh giá cán bộ hải quan còn thiếu sự tận tình khi hướng dẫn giải quyết công việc. Thậm chí, 30% hiệp hội được khảo sát cũng chấm mức "kém" với tiêu chí lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp với ngành hải quan.
“Càng xuống dưới, tới các chi cục và cán bộ công chức ngành thuế hải quan ở nhiều nơi, sức lan tỏa của Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh chưa được như mong đợi. Dù cơ chế chính sách có hoàn hảo thì con người vẫn đóng góp vai trò quan trọng nhất, bà Phạm Thu Hương, Phó Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật, Trung ương MTTQ Việt Nam nói. Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Cán bộ thuế, hải quan không chỉ “lạnh lùng” làm đúng trách nhiệm của mình. Đây là một trong những dư địa cải cách của ngành thuế và hải quan trong thời gian tới.
Nói thêm về các thủ tục thuế hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: 70-80% khách hàng tỏ ra hài lòng nhóm khai thuế, đăng ký thuế hoặc nộp thuế.Tuy nhiên, một số thủ tục vẫn bị đánh giá còn nhiều trở ngại, trong đó đầu bảng là nhóm thanh kiểm tra thuế (64% đánh giá là phiền hà và tương đối phiền hà), tiếp đến là nhóm hoàn thuế và miễn giảm thuế (57%).
Với ngành hải quan, báo cáo cho thấy, những nhóm thủ tục gây phiền hà tập trung ở khâu giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Phiền hà cụ thể được phía doanh nghiệp nêu lên là thời gian giải quyết quá dài (69% đồng ý), yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết (62%). Ngoài ra, việc các cán bộ hải quan không hướng dẫn đầy đủ tận tình cũng góp phần gây trở ngại cho doanh nghiệp.
Trước vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho rằng: Thời gian qua, TCHQ đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu trong quản lý thuế và hải quan đã hỗ trợ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện; đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, qua đó đã giảm rõ rệt thời gian, chi phí thực hiện các TTHC về hải quan. Tuy nhiên phía TCHQ cũng thừa nhận: Vẫn còn có một số tồn tại khó khăn như: Mức độ quyết liệt, quyết tâm ở trung ương rất rõ, ở cấp cục của nhiều địa phương hưởng ứng khá tích cực, nhưng sức lan tỏa, sức nóng của Nghị quyết 19 tại một số cấp chi cục, công chức chưa thực sự như mong đợi. Một số chính sách chưa có sự đồng bộ giữa các đon vị chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả công việc.
Tiếp tục giám sát, kiểm tra việc cải cách
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội DNNVV, Hội Doanh nhân trẻ đã ký kết Chương trình phối hợp giám sát lĩnh vực thuế, hải quan là một chủ trương hết sức quan trọng của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chương trình giám sát nhằm thu thập ý kiến, đánh giá của doanh nghiệp về kết quả cải cách thủ tục hành chính của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính đối với việc cải cách thuế, hải quan đã được xác định trong Nghị quyết số 19/NQ-CP. Theo đó, 6 cơ quan sẽ giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan cắt giảm, sửa đổi, bổ sung, thay thế các thủ tục thuế, hải quan không cần thiết, giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong việc kê khai nộp thuế, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, với tinh thần những mặt làm tốt cần phát huy hơn nữa, việc làm chưa được thì củng cố thêm, việc làm gần được thì cố gắng nữa để làm được. Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gợi ý đề ra hai hướng: Thứ nhất, trong năm 2016 sẽ tiếp tục kiểm tra ở 6 tỉnh thuộc 3 vùng miền. Thứ hai, có thể triển khai thí điểm đánh giá tại từng tỉnh và nên chọn những tỉnh, thành phố có lượng hàng hóa lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng lớn liên quan tới xuất nhập khẩu (dự kiến khoảng 10- 15 tỉnh, thành) để giám sát được tốt hơn.
Đề cập về việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế thời gian tới, ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục thuế Hà Nội cho biết: Cục đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện thực hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, xác định rõ người, rõ việc, trách nhiệm và xây dựng quy chế để thực hiện. Năm 2016, Cục thuế Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra và đánh giá chất lượng cấp dưới. Bên cạnh đó, Cục sẽ tổ chức nhiều khóa đào tạo và chia cán bộ làm 3 tiêu chí để tham gia các lớp đào tạo như lớp đào tạo cơ bản, lớp đào tạo nâng cao và và lớp đào tạo lãnh đạo…